Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (mở đầu)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là phần mở đầu “Đôi lời về việc tái bản cuốn sách – lời Tựa – Lời nói đầu của tác giả”

Đôi lời về việc tái bản cuốn

Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại (1927-1954)

Việt Nam Quốc Dân Đảng

lần thứ tư 

Lịch sử đấu tranh cận đại là một chuỗi đánh đuổi thực dân Pháp đô hộ bóc lột nước ta tạo nên một trang sử đầy oai hùng của dân tộc. Từ trước cũng như sau khi đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời năm 1930, các chính đảng quốc gia, các bậc sĩ phu, nhiều nhân sĩ yêu nước đã đổ bao nhiêu xương máu đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho tổ quốc. Trước ngày chia đôi đất nước năm 1954, các chính đảng quốc gia đã nhận ra hiểm họa cộng sản đối với dân tộc nên đã anh dũng ngoan cường chiến đấu trong tình huống “một cổ hai tròng”, một mặt chống thực dân Pháp xâm lược và một mặt chống độc tài cộng sản. Sau năm 1954 cả quân dân miền Nam chống làn sóng xâm lược cộng sản để bảo vệ tự do gần một phần tư thế kỷ cho đến y 30-04-1975.

Những cuộc chiến đấu đầy chính nghĩa và oai hùng ấy đã bị kẻ chiến thắng cướp công bằng cách viết lại lịch sử sai sự thật, tự đánh bóng cho đảng Cộng Sản Việt Nam, phủ nhận mọi công lao xương máu của những người yêu nước chân chính!

Thật là nguy hiểm cho nền văn hóa của dân tộc khi lịch sử bị chà đạp,  khi tuổi trẻ bị tiêm nhiễm bởi những dối trá và bị đánh lừa công lao của tiền nhân!

Cuốn Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1927-1954, Việt Nam Quốc Dân Đảng của tác giả Hoàng Văn Đào là một nguồn sử liệu giá trị nói lên sự thật công cuộc chiến đấu dũng cảm của những người quốc gia yêu nước chân chính trong giai đoạn đầy biến động nhất của lịch sử cận đại. Để tuổi trẻ ViệtNamhôm nay và thế hệ mai sau nhận thấy đâu là sự thật của lịch sử, hy vọng sự tái bản lần thứ tư cuốn sách này sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của qúy độc giả, nhất là các bạn trẻ. 

Trong lần tái bản này chúng tôi có thêm vài tấm hình của các nhân vật lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa mới sưu tầm được, và một phần phụ lục nói về đảng kỳ “Cờ Sao Tắng”. 

Hoa Kỳ, ngày 10 tháng 5 năm 2006 

Nhà xuất bản

 TỰA

Xưa nay chúng ta đã đọc những sách báo nói về cuộc khởi nghĩa hay ngày kỷ niệm 13 liệt sĩ VNQDĐ (Việt Nam Quốc Dân Đảng) tuẫn tiết, đọc rất nhiều tác phẩm viết về biến cố lịch sử ấy như Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống, Việt Nam của Louis Roubaud, Indochine S.O.S. của Andrée Viollis và La Route Mandarine của Roland Dorgelès, v.v… Các văn nhân ký giả đó chỉ diễn đạt được ý tưởng trên một khía cạnh nào về lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam mà thôi. Họ chưa nói được hết và tường tận đến nguồn gốc của tổ chức bí mật cách mạng VNQDĐ.

Thì hôm nay Việt Dân Hoàng Văn Đào tiên sinh, một vị lão thành đồng chí và một trong các nhà thuộc thế hệ đầu tiên VNQDĐ đã bổ khuyết được chỗ thiếu sót của lịch sử, viết ra cuốn sách này mà tác giả lại có nhã ý nhờ tôi viết bài tựa.

Trước sự yêu cầu viết bài tựa cuốn sách này, tôi xin thú thật rằng tôi đã cảm thấy lúng túng với danh dự đề tựa một cuốn sử, danh dự không đáng dành cho tôi, bởi tôi tự xét tài còn sơ trí còn thiển, tên tuổi chưa được như ai, mà dám múa rìu qua cửa Lỗ Ban, thì chả hóa ra mua lấy tiếng cười sao?

Tôi đã trộm nghĩ: muốn cho danh chính ngôn thuận, cuốn sách có tầm quan trọng như vậy, phải được các nhà học rộng tài cao, hoặc các bậc lão thành cách mạng hay các vị nguyên huân của tổ chức đoàn thể VNQDĐ đề tựa, thì nó mới tăng phần giá trị được. Chớ tấm áo cẩm bào lại đem cho tay thợ vụng cắt may thì chẳng hóa ra phí cả cái công người dệt gấm, và uổng cả cái công con tằm vương tơ chăng?

Vả lại, cái tên đề cuốn sách, tự nó đã có sẵn một giá trị chân xác để đứng vào chỗ xứng đáng trong mọi tủ sách gia đình Việt Nam rồi, thì còn cần gì phải vẽ hổ ra mèo do một kẻ vô danh giới thiệu.

Song Hoàng quân tiên sinh cứ khẩn khoản yêu cầu cho bằng được. Tác giả đã viện lý rằng, kẻ hèn này sống sót qua thời biến cố lịch sử, lại được thiên phú bẩm sinh có trí nhớ dai, nhớ được tỉ mỉ các chi tiết của thời đại đấu tranh cách mạng trước đây 40 năm thì cái công đọc bản thảo để gom góp thêm vào ý kiến xây dựng cuốn sách, không phải là điều vô ích được.

Trước tấm thịnh tình của Hoàng quân và trước công phu chiu chắt để sưu tầm tài liệu của tác giả, mà nghĩ rằng không còn lý lẽ nào khiến mình từ chối mãi, tôi buộc phải nhận lời viết mấy dòng giới thiệu nầy, mong hải nội chư quân tử lượng thứ.

Theo tôi thiển nghĩ, một nhà văn có tài, viết ra cuốn tiểu thuyết được thành công, kể cũng khó thay; huống hồ một nhà lão thành cách mạng soạn thảo cuốn lịch sử, nhất là lịch sử một đảng cách mạng thì thực quả là khó khăn vô cùng!

Song xét cho cùng, cái khó của nhà văn dựng ra câu chuyện tiểu thuyết còn có thể vượt được dễ dàng bởi họ được hoàn toàn tự do sử dụng cây bút vẽ rồng vẽ phượng, do sức tưởng tượng để tạo ra cốt chuyện ly kỳ, bất cần không gian và thời gian, chỉ có mục đích làm sao chuyện cho hay, lời văn lưu loát trôi chảy, mê say được độc giả, khiến cho họ tin được câu chuyện là thực, thế là thành công. Đó là cái khó mà dễ vậy.

Còn nhà viết sử, dầu cho viết dã sử đi nữa mà cho ra hồn cuốn sử, không có đủ quyền tự do phóng cây bút như nhà tiểu thuyết. Cái khó đó mới đáng lưu tâm chú ý! Bởi nhà viết sử phải căn cứ vào thời gian và không gian, phải tôn trọng sự thật, không có quyền đem óc tưởng tượng xen vào sự việc xảy ra ở nơi này mà nói nơi khác, bảo trăng bảo cuội, vẽ hươu vẽ vượn, bắt độc giả tin mình. Cái khó ấy là làm sao minh chứng được xác thực sự kiện lịch sử xảy ra trên đất nước trong thời đại đã qua, mà mình sống với đại đa số nhân chứng đồng thời với mình còn sống ở đó ở đây, không thể chê trách là xuyên tạc, là nói sai sự thực… Đó là cái khó cho nhà viết sử, rất đáng nản trước sự phê bình tất nhiên vậy.

Bởi thế người ta thấy ngay cái tầm quan trọng và tế nhị của cây viết về lịch sử, là không được đặt tình cảm vào công việc xét đoán, không được có ý thiên lệch bênh vực người này mạt xát kẻ kia. Nghĩa là không được phép thiên vị một cá nhân nào đã đóng vai trò lịch sử trong một trường hợp xảy ra. Người viết sử cần phải khách quan phê phán như một viên ngự sử viện Đô Sát của Triều Đình. Điều đáng khen thì khen, việc phải chê thì cứ chê, không được bẻ cong ngòi bút thêu dệt cái xấu thành tốt, cái tốt thành xấu.

Bởi lẽ đó, người viết sử không bao giờ quên được cái tác phong ngay thẳng của Đổng Hồ thời Chiến Quốc, đứng trước oai vũ của Triệu Thuẫn yêu cầu sữa lại lịch sử, mà Đổng Hồ đã ngang nhiên khước từ, nhất định phải nói sự thật… không sợ chết!

Như thế ta thấy cái khó của người viết sử là nói được sự thật… Thì ở đây, tác giả cuốn lịch sử VNQDĐ đã vượt được dễ dàng, vì lẽ đương nhiên là Hoàng quân nói được tất cả sự thật không dấu diếm điều nào. Song còn sự thành công để đền bù cái công phu soạn thảo được chu đáo cuốn sách này. Đó mới là điều khó vô cùng, bởi lẽ rằng xưa nay người ta vẫn ngại đọc sử, ấy là thói quen của người ta không chịu khó tìm lại nguồn gốc để hiểu rõ cội rễ của mình.

Nhưng ngày nay, đứng trước cao trào cách mạng sôi nổi, người ta ham đọc sử hơn hết, đó là cơ hội thuận lợi khiến cho Hoàng quân tiên sinh rất có hy vọng thành công với cuốn lịch sử VNQDĐ này.

Đọc cuốn lịch sử VNQDĐ chúng ta sẽ thấy sự thành công của Đảng cách mạng này ở chỗ nào và thất bại ở đâu? Chúng ta sẽ nhận xét được dễ dàng sự thất bại của VNQDĐ trong nhất thời, mà sự thành công trong vạn thế. Chúng ta sẽ thấy ngay lý do mà VNQDĐ chiếm được bó hoa danh dự của lịch sử trao cho để tặng thưởng cái công lao hãn mã ở Yên Bái, trong khi lịch sử chỉ trao cho các Đảng phái khác cái phần thưởng an ủi mà thôi.

Sự khác biệt khách quan nhận xét là ở chỗ đó mà VNQDĐ có quyền được hãnh diện kiêu hùng nhận phần thưởng đích đáng ấy.

Như lịch sử đã chứng minh, người ta biết rằng sau vụ Pháp tổ chức bắt cóc cụ Sào Nam ở tô giới Thượng Hải năm 1925, dưới danh hiệu Trần Văn Đức để hòng che đậy âm mưu ám muội và lừa dối dư luận Việt Nam và Quốc Tế, ngõ hầu diệt trừ mầm mống cội rễ phong trào cách mạng Việt Nam. Âm mưu bịp bợm đó bị Đảng Phục Việt phanh phui ra được, và phá tan được độc kế thâm sâu của Đế quốc là muốn giết chết Phan Bội Châu không một tiếng vang, và sau phong trào vận động xin ân xá cho nhà nguyên huân cách mạng được thành công, cộng với phong trào hô hào cách mạng bởi những cuộc diễn thuyết của cụ Tây Hồ ở Sài Gòn, tinh thần dân tộc Việt Nam bỗng quật khởi. Và nhất là phong trào truy điệu hai nhà ái quốc Phan Chu Trinh và Lương Văn Can dội vào óc não thanh niên giác ngộ, đất nước Việt Nam bỗng trở thành vườn ươm cách mạng phì nhiêu phong phú. Các tổ chức bí mật mọc lên như nấm, do lớp thanh niên tân học lãnh đạo, đã đánh dấu được một kỷ nguyên mới về cuộc chiến đấu chống thực dân thống trị.

Người ta thấy có ba đảng cách mạng lớn nhất được nêu danh và thành tích trước lịch sử là:

1. PHỤC VIỆT ĐẢNG: (Sau đổi là Tân Việt Cách Mạng Đảng tại Trung Việt) được thành lập năm 1924 tại Hà Nội, đã bành trướng thế lực ra hải ngoại, mở đầu cho phong trào Tây du thay thế cuộc Đông du năm 1905. Đảng Phục Việt liên lạc với nhóm Việt Nam Hồn ở Ba Lê (Paris) hợp nhất thành “An Nam Độc Lập Đảng” sau gọi là “Việt Nam Độc Lập Đảng”.

2. VIỆT NAM THANH NIÊN CÁCH MẠNG ĐỒNG CHÍ HỘI: Được thành lập tại Quảng Châu năm 1925, do các nhà cách mạng lưu vong lãnh đạo, bành trướng thế lực vào trong nước, thiên tả. Sau một phần lớn đảng viên đổi làm “Việt Nam Cộng Sản Đảng” kể từ năm 1929.

3. VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG: Được chính thức thành lập năm 1927 tại Hà Nội, một đảng quốc gia cực đoan thiên hữu, thu hút được phần đông nông dân tham gia.

Cả ba đảng cùng chung mục đích chính là giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ, giành độc lập cho Việt Nam.

Song phương pháp tranh đấu, mỗi đảng có một kế sách khác nhau trên cương vị hoạt động cũng như dẫn đạo. Trong khi Phục Việt bị chia rẽ nội bộ, một phần lớn đảng viên ở Trung Việt biệt lập biến thành “Tân Việt Cách mạng Đảng” thì phần khác ở Hà Nội công nhận danh hiệu mới là “An Nam Độc Lập Đảng”, tiềm lực tranh đấu kém hẳn vì sự phân đôi này. Về phía VNTNCMĐCH (Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội) cũng gặp phải sự phân tán lực lượng do một nhóm quá khích biến cải làm “Đông Dương Cộng Sản Đảng”. Hai đảng lớn bỗng biến thành bốn đảng nhỏ đối với VNQDĐ đã hoàn bị được hàng ngũ chiến đấu, tiến mạnh đến phong trào nhân dân võ trang khởi nghĩa, thu hút được nhiều đảng viên ly khai của các đảng đối lập.

Bởi vậy thế lực của VNQDĐ càng mạnh, và nhân dân lúc đó chín mùi khởi nghĩa, hoan nghênh gia nhập VNQDĐ càng mạnh hơn.

Sức đã mạnh thì chí phải cường và đảng viên càng hăng hái, cho nên vụ ám sát Ba Gianh (Bazin), chủ mộ phu, mới xảy ra ngày 9-2-1929 ở con đường Huế – Hà Nội, do một đảng viên VNQDĐ vì quá hăng hái, bất tuân mệnh lệnh của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Sự bồng bột của một thanh niên cách mạng lúc ấy đã làm di hại đến vận mệnh của các đảng phái khác đi đến sự tan rã, bởi sự khủng bố trắng trợn của thực dân Pháp.

Song xét cho cùng, chính vì vụ ám sát Ba Gianh lại là nguyên nhân chính cho sự thành công của VNQDĐ. Người ta đã suy gẫm rằng, không có cuộc bạo động này, thì phe tư bản Pháp không sợ và không thúc đẩy chính quyền thực dân xiết chặt vòng đai cai trị dân bản xứ… và Nguyễn Thái Học không có bản án khổ sai chung thân vắng mặt, thì việc khởi nghĩa Yên Bái và toàn cõi Bắc Việt chưa chắc đã thành tựu.

Sau cuộc thất bại VNQDĐ ở Yên Bái, và tiếp theo sau cuộc khủng bố lớn lao của chính quyền Đông Dương, nhân dân Việt Nam bị xao xuyến mất hết tinh thần. Các đảng phái bí mật lại phải im hơi lặng tiếng trong một thời gian khá lâu, bí mật đến dường như tan rã ra mây khói, không hoạt động gì nữa. Và sau những vụ biến cố của phong trào vận động quần chúng ở Thanh, Nghệ, Tĩnh, Gò Vấp, Hóc Môn, những người thanh niên ái quốc thoát được vòng lao lý, tội tù đày ải, thì rút vào bí mật, hay chán nản, hoặc đứng ra làm chính trị công khai, mượn báo chí làm lợi khí tranh đấu. Song họ sống rời rạc lẻ tẻ từng nhóm nhỏ, thiếu lực lượng quần chúng ồ ạt ủng hộ hay trực tiếp tham gia như cũ.

Tình trạng chờ đợi cơ hội kéo dài cho đến 1945, sau ngày đảo chính Nhật lật đổ chính quyền Pháp ởû Đông Dương, các nhà cách mạng mới lại hoạt động ráo riết; và nhân cơ hội mới này, các đảng mới lại mọc ra như nấm, thành tranh chấp nhau, chia rẽ nhau hơn, khiến cho Cộng Sản nhờ thế lực ngoại bang đánh bật được hầu hết phe đảng quốc gia. Do đó lòng người càng thêm ly tán, và sau khi thấy đảng Việt Minh núp dưới danh hiệu quốc gia, cướp được chính quyền và trở tâm phản bội lại dân tộc, thì chỉ có VNQDĐ là có đủ lực lượng chiến đấu chống lại mà thôi.

Cho nên người ta không thể chối cãi được sự thành công của VNQDĐ vẫn tiềm tàng được sức lực chiến đấu và vẫn tiếp tục tổ chức được nhân dân trên toàn cõi Việt Nam, mặc dầu người ta thừa biết nội bộ thiếu sự chặt chẽ đoàn kết. Sự thành công thâu lượm được cũng bởi cái khí thế của cuộc khởi nghĩa Yên Bái mà 13 vị liệt sĩ VNQDĐ đã tuẫn tiết, nêu một gương sáng cho các đồng chí sau này vậy.

Hơn nữa, sự thành công của VNQDĐ có được là nhờ cách tổ chức vững chắc, các địa phương có rộng quyền, dường như tự quyền hoạt động, khai thác được nhân lực tài lực quần chúng, vận động nông, công, kỹ, thương gia tham dự nhiều hơn giới trí thức. Vả lại, từ xưa tới nay, VNQDĐ đã biết dồn cả tân học, cựu học, thanh niên, lão đại, nam phụ, lão ấu vào thế cứu quốc hơn nữa PHỤC VIỆT chỉ chú trọng đến giới trí thức thanh niên thành thị, và CỘNG SẢN thì chỉ quan tâm đến lao động, để ép nông dân phải theo mà thôi. 

Nhận xét một cách khách quan như trên và căn cứ vào lập trường của ba đảng trên đây, tôi tin rằng cuốn lịch sử VNQDĐ của Hoàng Văn Đào tiên sinh sẽ thành công mỹ mãn trong sự phổ biến tư tưởng quốc gia chống thực dân và cộng sản, nhất là trong giai đoạn lịch sử hiện đại.

Lịch sử VNQDĐ sẽ là cuốn sách gối đầu giường của mọi người Việt Nam yêu nước, cũng như cuốn “Meinkamps” của Hitler cho dân tộc Đức, khi người ta nhớ đến sự hy sinh cao cả của 13 vị liệt sĩ VNQDĐ lần lượt bước lên đoạn đầu đài, hô to “VIỆT NAM MUÔN NĂM, MUÔN NĂM!” 

Xuân Giáp Thìn, ngày 24-3-1964

Nguyên Chủ Nhiệm, Chủ Bút Tuần Báo Tân Dân

Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc 

 

LỜI NÓI ĐẦU

Trong hàng ngũ cách mạng quốc gia, Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) là Đảng tiền tiến, có một tổ chức kiện toàn, hoạt động liên tục nhất và thành tích nhiều nhất.

Trên bảng vinh quang ghi danh những vị hy sinh cho chính nghĩa trong hơn 40 năm qua, VNQDĐ là Đảng đã cống hiến nhiều anh hùng liệt nữ cho Tổ quốc và Dân tộc.

Trên chính trường tranh đấu chống Thực, Phong, Cộng và Độc tài, VNQDĐ là hàng ngũ tiền phong đông đảo nhất, và cũng là thành trì tranh đấu cuối cùng cho Tự Do Dân Chủ.

Đã có nhiều báo chí trong nước cũng như ngoại quốc, đã có nhiều văn sĩ cũng như ký giả viết về VNQDĐ nhưng phần đông chỉ diễn đạt mô tả được một khía cạnh nào về VNQDĐ mà thôi, không những thế, đôi khi còn vì lý do này hay lý do khác, tác giả lại còn trình bày sai lầm, nếu không phải là xuyên tạc mục đích cũng như lịch trình tiến triển của VNQDĐ.

Khi viết tập sách nhỏ này, chúng tôi giữ vững lập trường một công dân cầm bút chép sử của Dân Tộc, chứ không quan niệm là một Đảng viên VNQDĐ chép sử để tuyên truyền cho Đảng mình, mặc dầu vì thời thế, vì lý tưởng, chúng tôi rất may mắn được tham gia VNQDĐ ngay từ ngày Đảng mới thành lập, nhưng chỉ là một nhân chứng đã được tham gia vào công cuộc tranh đấu, ghi chép một cách khách quan vô tư các sự kiện qua những điều mắt thấy tai nghe, và căn cứ một phần vào những trang tài liệu ở các sách báo cũ, cùng trực tiếp tham khảo với những nhân vật có liên hệ còn sống sót đến ngày nay, để cống hiến độc giả thiên tài liệu chính xác, ngõ hầu có thể sáng suốt nhận định một thiên lịch sử oai hùng của Dân Tộc ta, để nói lên những tấm gương hy sinh vô bờ bến, những hành động anh hùng đẫm máu vị tha, vì Dân, vì Nước của các bậc tiền bối. Chúng ta, những người đang tranh đấu, hay lớp người sau lấy đó làm gương, rút ưu khuyết điểm, đem lại Độc Lập Thống Nhất cho xứ sở, thanh bình hạnh phúc cho nhân dân.

Cuốn sách nhỏ này chúng tôi chia làm năm thiên chính và một thiên phụ:

Thiên thứ nhất: Từ năm 1927 đến năm 1932.

Thiên thứ hai: Từ năm 1932 đến năm 1940.

Thiên thứ ba: Từ năm 1940 đến năm 1946.

Thiên thư tư: Từ năm 1946 đến năm 1950.

Thiên thứ năm: Từ năm 1950 đến năm 1954.

Thiên phụ: A) Thân thế Nguyễn Thái Học. B) Văn thơ của các nhà cách mạng VNQDĐ.

Dĩ nhiên trong tập sách nhỏ này có những sự kiện quan trọng, có những ngày tháng lịch sử cần ghi nhớ mà tác giả đã lãng quên ngoài ý muốn, vì thời gian đã quá lâu, nạn binh đao lại liên tiếp tàn phá, đất nước bị qua phân, nên tài liệu không thể thu thập được một cách đầy đủ hơn, mặc dầu đã hết sức cố gắng. Tác giả ước mong quý vị độc giả thấy đoạn nào, chỗ nào sai lầm hay thiếu sót, xin vui lòng chỉ giáo viết thư riêng cho tác giả, để hầu bổ khuyết vào ngày tái bản.

May mắn thay! Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, hân hạnh được sự chiếu cố đặc biệt của quý vị đọc giả bốn phương. Hơn nữa! Lại còn được sự chỉ giáo cho những chỗ sai lầm thiếu sót một cách đầy đủ và vô tư, mà vô tình tác giả đã vấp phải.

Nay nhân ngày tái bản đã được thực hiện, tác giả có cơ hội bổ khuyết thêm nhiều tài liệu quý giá cụ thể hơn, đồng thời lại có dịp sắp xếp phần ấn loát cho được hoàn mỹ.

Tác giả xin chân thành cảm tạ tấm thịnh tình nồng hậu của quý vị đọc giả bốn phương. 

Sài Gòn, mùa Xuân năm 1964

Hoàng Văn Đào 

 [Bấm vào đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt