Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (21)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương VI: “ÂM MƯU THÔN TÍNH TOÀN CỎI VIỆT NAM CỦA THỰC DÂN PHÁP”

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

Chương VI: ÂM MƯU THÔN TÍNH TOÀN CỎI VIỆT NAM CỦA THỰC DÂN PHÁP

CHIẾM XONG NAM VIỆT PHÁP ĐỊNH TIẾN RA BẮC VIỆT  Nhìn về phương Nam, toàn thể miền Nam và nam Trung Việt, khói lửa mịt mù, nhân dân kết hợp nhau nỗ lực tổ chức kháng Pháp. Mặc dầu với khí giới thô sơ, cũng khiến cho quân đội của Tướng Leclerc nhiều trận phải thua liểng xiểng.
Ngày 21 tháng 2 năm 1945, Đô đốc Thierry D’Argenlieu từ Calcutta đến Sài Gòn với chức Cao Ủy Đông Dương. Đô Đốc bắt đầu tổ chức bộ máy hành chính, dinh Thống Soái được đổi làm Cao Ủy phủ, các sở phụ thuộc được đổi làm cơ quan cố vấn cho Cao Ủy phủ. Đó chỉ là danh từ đổi mới để che đậy dã tâm xâm lược, còn công việc vẫn rập theo lối cai trị xưa. Đã làm xong nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật Bản và giúp đỡ bạn Đồng Minh Pháp chiếm xong Nam Việt và Nam Trung Việt, ngày 28 tháng Giêng năm 1946, Đại tướng Gracey trao lại hết quyền hành và tặng lại tất cả những khí giới cùng quân nhu của quân đội Nhật Bản lại cho Pháp. Hồi 0 giờ ngày mồng 5 tháng 3, quân đội Anh, Ấn giã từ Sài Gòn xuống tàu trở về nước.
Để thực hiện bản tuyên ngôn ngày 24 tháng 3 của Đại Tướng De Gaulle, Cao Ủy Thierry D’Argenlieu cho thành lập một chính phủ địa phương do người Việt Nam (1) đảm nhận để gây uy tín với nhân dân; đồng thời hội đồng Tư vấn Nam Kỳ cũng được thành lập, gồm 12 người: 8 Việt và 4 Pháp; nhưng cả 8 Nghị sĩ Việt đều là những người có quốc tịch Pháp (2). Là người Việt Nam còn ai muốn chia cắt đất nước, nên đã gây một dư luận bất bình phẫn uất, nhất định không chịu hợp tác với chính phủ Nam Kỳ. Để đánh lạc dư luận Quốc Tế, người Pháp cho tạo ra một Đảng chính trị “MA”, đảng Nam Kỳ (Parti Cochinchinoirs) dưới sự bảo trợ của luật sư Béziat. Đảng chỉ có một người, vừa là đảng viên, vừa là lãnh tụ, ấy là Nguyễn Tấn Cường. Chia để trị, ấy là cái kế hoạch cổ truyền của thực dân, người Pháp cho mở mặt trận tuyên truyền “Đả đảo rau muống, phở tái”, xúi dân miền Nam khủng bố dân miền Bắc, gán cho cái danh từ là bọn “cọc cạch” vào quấy rối, phá an ninh và trật tự miền Nam. 
Cho được thi hành kế hoạch một cách có hiệu quả, thực dân Pháp khai sinh thêm “Mặt Trận Bình Dân Nam Kỳ”, cơ quan ngôn luận của Mặt Trận là tờ báo “Tiếng Gọi” để cổ động cho thuyết “Nam Kỳ Tự Trị”. Chính phủ Nam Kỳ tự trị cách ít tháng sau bị sứt mẻ, Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh tự sát, hai Nghị sĩ trong hội đồng Tư Vấn Nam Kỳ là Trần Tấn Phát và Nguyễn Văn Thạch bị ám sát. Ngày mồng 5 tháng 2 năm 1946, Tướng Leclerc tuyên bố trước phiên họp báo với các ký giả Miền Nam: “Công cuộc bình định Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ đã xong”.
Tướng Leclerc dự định mưu toan tiến chiếm Bắc Việt. Jean Sainteny đã nói: Quân đội Pháp không kịp đến chiếm Bắc Việt và Bắc Trung Việt trước ngày quân đội Trung Hoa tới, cơ hội ấy đã bỏ lỡ mất rồi! Nay Bắc Việt hiện diện có 180.000 quân lính Trung Hoa và 30.000 tù binh Nhật Bản; hơn nữa, lại còn Phái đoàn Hoa Kỳ nâng đỡ cho chính phủ Hồ Chí Minh. Chính Đại tướng Hoa Kỳ là Gullagher đã nói với Đại tướng Pháp là Alessandri ở Côn Minh rằng: “Mặt dầu thế nào đi nữa! Nước Pháp cũng không thể trở lại hoạt động để bảo hộ Đông Dương”. Vậy vận động xin tu chính quyết nghị Postdam cũng không xong. Nay muốn tiến ra Bắc Việt chỉ còn một giải pháp chính trị để đi đến hai thỏa hiệp:

A.  Một thỏa hiệp Pháp-Hoa: Trung Hoa rút quân tại miền Bắc về và để Pháp thay thế việc giải giới quân đội Nhật Bản.
B.  Một thỏa hiệp Pháp-Việt: Chính phủ Hồ Chí Minh bằng lòng cho Pháp quân trở lại Bắc Việt mà không có sự ngăn trở gì.
Bởi vậy ngay từ tháng 10 năm 1945, Cao Ủy Thierry D’Argenlieu đã đáp phi cơ sang Trùng Khánh thương thuyết với Chính phủ Tưởng Giới Thạch. Tại Bắc Việt, ngày 28 tháng 9 năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã bí mật gặp Alessandri và Pignon, Sainteny đã viết: “Hồ Chí Minh cần dựa vào sự giúp đỡ của nước Pháp một cách hiển nhiên để củng cố địa vị và bịt miệng đối lập”. (3)
Ngày 15 tháng 10 năm 1945, ông Hồ Chí Minh cũng lại bí mật gặp Sainteny. Sainteny đã nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thỏa thuận chung với nhau. Hồ Chí Minh và tôi quyết định giữ kín những cuộc gặp gỡ bí mật để cho dân chúng không biết, mà chúng tôi rất sợ tánh nóng nẩy bồng bột của họ. Nơi ở của chúng tôi là chỗ lân bang đã làm dễ dãi sự việc, và thường chỉ trong lúc canh khuya là tôi lén sang qua nhà riêng Hồ Chí Minh ở trong một biệt thự liền cạnh công viên Paul Bert.” (4)
Ngày 30 tháng 12 năm 1945, một bản thông cáo công bố: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rất sung sướng hội đàm với đại diện nước Pháp. Nhưng theo lời Chủ tịch đã tuyên cáo trước quốc dân, nếu Chính phủ Pháp muốn thảo luận với chúng ta, Chính phủ Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam.” (5) 

===============================

Chú thích: 

(1) Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ: BS Nguyễn Văn Thinh

– Phó Thủ tướng: Đại tá Nguyễn Văn Xuân

– Bộ trưởng Bộ Tư Pháp: Quan Tòa Trần Văn Tỷ

– Bộ trưởng Bộ Tài Chính: Nguyễn Thành Lập

– Bộ trưởng Bộ Công Chính : Kỹ sư Lưu Văn Lang

– Bộ trưởng Canh nông, Thương mại, Kỹ nghệ : Ưng Bảo Toàn

– Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục : Nguyễn Thành Giang

– Bộ trưởng Lao động, Xã hội: Khương Hữu Long;  Thứ trưởng: Đỗ Văn Trà, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Tấn Cường

(2)

– 4 Nghị sĩ Pháp: Béziat, Bazé, Clogne, Gressier và

– 8 Nghị sĩ Việt: Nguyễn Văn Thịnh, Trần Thiện Vàng, Lê Văn Định, Nguyễn Thành Lập, Trần Tấn Phát, Nguyễn Tấn Cường, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Thạch.

(3) Ho Chi Minh a besoin d’une facon évidente, de l’appui de la France pour se maintenir au pouvoir et museler son opposition. (Histoire d’une paix manquée.)

(4) Nous avions d’un commun accord. Ho Chi Minh et moi, décidé de tenir nos entrevues ignorées de la population don’t nous redoutions la nervosité. Le voisinage de nos domiciles facilitait la chose et, le plus souvent, c’est à la nuit que je me rendais chez Ho Chi Minh, installé dans une villa bordant le square Paul Bert. (Histoire d’une paix manquée.  Page 171.)

(5) Báo “Quyết Chiến” ngày 31 tháng 12 năm 1945.

[Bấm vào đọc chương trước]

[Bấm Vào Đọc Chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt