Sách: Nguyễn Thái Học – Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống

Sách Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng của học giả Nhượng Tống gồm 43 chương, kể lại một cách trung thực và trách nhiệm của người cầm bút. Đây là tài liệu lịch sử quý giá, xin mời qúy vị đọc để thấy tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta trong sáng đến mực nào! tấm gương yêu nước trong sáng chói rọi đến bao thế hệ mai sau. Sau đây chương XXXII, XXXIII và XXXIV (32-34)

[Bấm vào đây đọc các chương trước]

CHƯƠNG XXXII

Việc Hưng Hóa và Lâm Thao

Chỉ huy việc đánh Hưng Hóa, Lâm Thao là anh Song Khê, tức Xứ Nhu, phó chủ tịch ở Trung Ương đảng bộ hồi ấy. Việc này, viên Đại Lý coi Hưng Hóa có đề phòng trước, nên thất bại còn thảm khốc hơn.

Ngày mồng 9 tháng Hai, anh Song Khê sai người đem thuyền đến bên sông cạnh làng Võng La, đào lấy các hòm khí giới chôn ngầm ở đấy. Bốn giờ sáng ngày mồng 10, anh đem chừng 50 đồng chí, soi đèn bấm và mang gươm, dao, lựu đạn đến trước trại lính. Anh diễn thuyết cho bọn lính nghe về chủ nghĩa và công việc của Đảng, khuyên bọn họ bỏ trại mà đi theo quân cách mệnh. Họ không nghe, dàn súng bắn ra. Quân ta ném lựu đạn để đánh vào, nhưng kết quả không sao hạ được trại. Lựu đạn hết, anh em đành phải lui ra phía bờ sông để chờ lấy thêm chiến cụ.

Chiến cụ ở Xuân Lũng đã cho thêm tới nơi. Anh đem quân đánh xuống Lâm Thao. Tên tri phủ Đỗ Kim Ngọc bỏ trốn. Bọn lính cơ trốn theo. Quân ta chiếm lấy phủ, cướp lấy súng đạn, vào đem cờ Đảng treo ở cổng phủ đường. Anh Song Khê vừa diễn thuyết cho dân chúng nghe xong, thì truy binh đã đến. Anh dàn quân ra nghênh chiến, nhưng thế cô không chống nổi. Anh bị thương nặng ở chân, liền đặt 2 trái lựu đạn xuống đất, rồi vật mình lên trên mà tự tử! Đạn nổ… Ngực vỡ, bụng vỡ, trông thấy cả gan, ruột… Nhưng anh không chết! Chúng bắt anh, băng bó lại mà khiêng đi. Dọc đường, anh nhảy xuống sông nhưng chúng vớt được! Mãi đêm hôm 11, trong buồng giam, tay bị cùm, chân bị xích, anh phải tự đập vỡ đầu ra mới chết được thoát thân!

Các đồng chí có mười người chết ngay tại trận, còn thì đều bị bắt vào tay quân Pháp. Trốn thoát chỉ là một số rất ít.

CHƯƠNG XXXIII

Việc Đánh Miền Xuôi

Chỉ huy đánh các tỉnh miền xuôi, là nhiệm vụ Anh Học. Vì việc ấy, anh đã triệu tập một cuộc hội nghị địa phương ở Đông Triều để cùng bàn định phương lược. Anh em đều cho cái hẹn mồng 10 gấp quá, không sao tổ chức cho kịp đánh được. Thế rồi quyết nghị hoãn lại nhật kỳ như trên ta đã biết.

Nhưng mạn trên đã không theo lệnh mà đánh trước. Sự đánh sớm ấy gây ra hai kết quả có hại:

* Một là việc thất bại ở Hưng Hóa, Yên Báy, Lâm Thao gieo vào lòng người sự ngờ vực lực lượng cách mệnh.

* Hai là nhà cầm quyền Pháp ở các địa phương biết chuyện khởi nghĩa chẳng phải là tin đồn hão, sẽ hết sức đề phòng.

Do sự đề phòng ấy mà ngày 11 tháng 2, tên công sứ Hải Dương đến khám làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách vì có tin báo Anh Học ở đấy. Trong cuộc khám ấy, họ đã bắt được Vương Đình Hội, Nguyễn Khắc Thông và một mớ khí giới. Đến ngày 12, họ lại vây làng Hưng Thăng cùng hạt. Anh Học xuýt bị bắt, phải lội xuống ao, lủi trong bụi, sau cùng mới lên được thuyền trốn ra ngoài.

Kỳ thực thì về miền Đông Bắc, chỉ có hai điểm quan trọng là Đáp Cầu và Phả Lại. Cả hai nơi, Đảng đều tổ chức đã lâu. Cả hai nơi, các võ trang đồng chí đều khá nhiều. Thế nhưng những anh em đấy đã vì sự phản bạn của trên Dương mà bị bắt cả rồi! Còn nguyên các đảng viên thường, Anh tính đem toàn lực mà đánh dồn cả vào một nơi, họa chăng có được! Nơi ấy tức Phả Lại. Một mặt Anh hẹn với anh em ở Lương Tài, Bắc Ninh, một mặc Anh hẹn với anh em ở Gia Bình, Nam Sách tất cả chia năm đạo mà đánh vào. Hẹn đánh là ngày 12. Nhưng đến giờ hẹn, nơi hẹn thì các bạn chẳng thấy anh đâu cả! Đồng chí kinh ngạc kéo về, hôm sau mới hay tin là Anh bị chúng vây ở Hưng Thăng, nên không đúng hẹn được. Việc đánh hoãn lại ngày 14. Nhưng khi các anh em, nào thủy, nào bộ, đã tề tựu, các chỉ huy đã họp lại một nơi để chờ nghe huấn lệnh, thì Anh Học đi thuyền đến… Ngồi trên mũi thuyền, Anh nói:

– Thôi! Anh em hãy giải tán! Nhà cầm quyền vừa mới cho thêm 300 lính Lê Dương đến, và canh phòng riết lắm. Bom, dao, đòn ngắn cả, vào không lọt với súng liên thinh, chúng đã đặt ở chung quanh trại cả rồi!

Không đánh nổi các đồn lớn, Anh liền ra lệnh cho anh em được tùy tiện đánh các phủ, huyện, quanh miền. Đánh như vậy rồi kết quả ra sao? Cái đó chỉ có Trời biết! Dù sao thì cũng làm được một việc có ích là cảnh tỉnh cho bọn tham quan, ô lại! Cũng vì vậy, mà đến hôm rằm, anh em ở Phụ Dực, mặc binh phục và mang bom, dao, cùng ít khẩu súng dài, súng ngắn, tất cả chừng một trăm người, sấn vào vây huyện và chiếm lấy khí giới. Xong đó, anh em kéo sang Vĩnh Bảo, cách đó mười lăm cây số. Nhưng đến nơi thì các bạn ở địa phương đã chiếm được huyện rồi.

– “Việc đánh Vĩnh Bảo là do anh Trần Quang Riệu chỉ huy. Chiều hôm 16, anh giả vờ hốt hoảng vào báo với lão Hoàng Gia Mô, tri huyện ở đó rằng: “Bẩm quan lớn! Tôi nghe tin bọn cách mệnh đêm nay chúng định lấy huyện!”

Hoảng hốt tên Mô gọi tài xế sắp ô tô, đem theo bốn tên lính hộ thân, sang đồn Ninh Giang để cầu cứu. Lão Đồn trả lời rằng lính đồn còn phải coi đồn, không thể giúp gì được. Nói rồi lại giục tên Mô mau về mà coi huyện. Thất vọng, tên Mô luống cuống! Rồi nhanh trí nó bảo tên người nhà cởi bộ quần áo nâu cho nó mặc. Xong, chết trong lòng đành phải lên ô tô mà tìm lối quay về. Về đến đầu chiếc cầu xi măng gần huyện thì vang trời hai, ba tiếng nổ! Ô tô bị bom đã hỏng máy, nằm quỵ bên đường! Nguyên khi nó đi sang Ninh Giang thì anh em đã vào chiếm lấy huyện. Tôi bấy giờ bị giam trong lô cốt, nghe tiếng bom hiệu ở ngoài, trong lòng đã khấp khởi. Khi được thả ra, trông bóng cờ vàng phất phới ở trong làn khói pháo của dân phố đốt mừng quân cách mạng, thật từ thuở mẹ đẻ, tôi chưa thấy sướng như thế bao giờ! Khi thấy ô tô đã nằm bẹp, anh em cầm chắc đã bắt được tên Mô! Nhưng quái lạ! Khi bấm đèn “pin” soi vào thì chả thấy nó đâu cả! Hỏi tài xế thì ra, lanh trí khôn, nó đã trốn chạy vào trong bóng tối! Anh em vội sục tìm các ngã, thì bắt được nó ở trong một nhà hàng nước, nằm ép vào xó chiếc ổ rơm! Đem nó về giam vào lô cốt, nó van van lạy lạy: “Nào là xin thương cho, mẹ nó chỉ có một mình nó! Nào là việc bán dân, bán nước là tự ông, cha nó, chứ nó chẳng biết gì!…” Vợ nó lại đem vàng, bạc ra định đút lót để xin tha cho chồng! Nó tưởng quân cách mệnh cũng tham tiền, thích gái như ông, cha nhà chúng nó! Anh em khi ấy chỉ lục đốt giấy má có quan hệ đến các chính trị phạm, còn thì tiền của nó, vợ con nó, không hề xâm phạm mảy may. Sớm mai, chúng tôi cho họp dân phố lại, rồi lập tòa án cách mệnh mà xử tội tên Mô. Nó chẳng những là đứa tàn nhẫn, đối với người cách mệnh, tra tấn đủ mọi cực hình, mà còn là đứa tham ô, tìm hết cách để khoét dân, hạt hạ! Vì vậy, khi anh chủ tịch hỏi ý kiến dân, cả hai dãy phố huyện, ai nấy đều đồng thanh xin giết! Rồi, chưa kịp đem ra hành hình, bọn phu tuần đứng quanh đã lấy giáo mà đâm vào mình nó be bét! Máu chảy chan hòa! Tiếng kêu thảm thiết!

“Cùng đồng bào cả! Sao đến nỗi phải đối đãi nhau như vậy”

Tôi nghĩ vẩn vơ, bất giác phải trào nước mắt! Bây giờ thì không thấy nó kêu, nó giẫy như trước nữa! Chắc nó chết, chúng tôi bảo bọn tuần khiêng xác nó mà quẳng xuống sông! Nhưng mà nó đã chết đâu! Xuống sông rồi, giẫy bật dây trói ra, nó cố sức bơi sang bờ bên kia, mong tẩu thoát! Anh Riệu nóng máu, cầm súng trường bắn luôn hai phát! Cái xác tên khốn nạn liền theo tiếng súng mà chìm. Quay về, chúng tôi đón anh em ở Phụ Dực kéo sang. Dân các làng chung quanh, làm cỗ, thổi cơm gánh đến để thết quân cách mệnh! Trong đời tôi thật chưa được ăn bữa cơm nào vui như thế! Nhưng đương ăn thì máy bay của quân Pháp đã vù vù đến thám thính. Chiều hôm ấy, anh em thu lấy súng đạn rồi kéo về Cổ Am! Ngày 16 tháng 2, chúng tôi nghe tin chúng nó cho lính Khố Xanh đóng ở Phụ Dực, Vĩnh Bảo và sắp sửa truy tầm đến nơi. Buổi trưa, máy bay lại đến thám thính. Nó bay thấp quá! Đàn bà, con trẻ trong làng đền hoảng sợ! Chúng tôi bắn lên một loạt súng mà không trúng! Chúng nó bay về! Rồi một lúc kéo đến hơn chục chiếc, cũng bay thật thấp và dội bom xuống làng…

Chẳng những dội bom xuống làng mà thôi, chúng còn bắt chặt hết tre, rồi buông lửa đốt cháy cả làng. Áo, quần, thóc, gạo, gà, lợn, trâu, bò và các đồ vật, có làng thì chúng cho chạy ra, còn có làng thì chúng bắt bỏ lại để cháy cho kỳ hết!

Đó là số phận những làng ủng hộ cách mệnh như La Hào, Võng La, Cổ Am, Xuân Lũng, Kha Lâm, Sơn Dương, Khúc Thủy, vân vân và vân vân!

Các đạo quân cách mệnh ấy, mấy hôm sau vì chúng truy nã ráo riết, anh em chết dần và bị bắt dần!

Và ngay ngày 17, tên Vi Văn Định, Tổng Đốc Thái Bình, đã về Phụ Dực, khám bên bờ sông, tìm ra một mớ khí giới và bắt mười người. Còn Vĩnh Bảo, vào tay tên công sứ Hải Dương, thoạt đầu đã có đến 30 người bị bắt!

CHƯƠNG XXXIV

Việc Ném Bom Ở Hà Nội

Hà Nội chẳng những là thủ phủ Bắc Việt, mà còn là thủ phủ cả Đông Dương. Vậy, muốn cách mệnh ở xứ này, trước hết tất phải đánh Hà Nội. Ta có thể nói rằng: “Lấy được Hà Nội là lấy được tất cả!” Cho nên ngay từ lúc mới lập Đảng, chúng tôi đã phải chú ý đặc biệt các địa điểm chiếc lược, và phải cố công tuyên truyền vào đám các hạ sĩ quan ở trong thành cũ của vua Lê rồi. Thế lực của Đảng, ở Hà Nội, nhất là ở trong quân ngũ, có thể nói là hùng hậu gấp mấy chục lần ở mọi nơi. Nguyên chi bộ Tàu Bay, do anh Đội Môn (Trần Văn Môn) làm chi bộ trưởng, vừa cai, vừa đội, có đến 22 người! Còn ở hai trại thứ chín, thứ tư trong thành, cùng ở trại Khố Xanh, Đồn Thủy, không kể các binh đoàn, chỉ kể nguyên cai, đội, quản, chúng tôi đã có hơn trăm người là đồng chí. Nhưng sau việc mưu phản của Đội Dương, thì các đồng chí ấy, nếu không bị khép bắt tù thì cũng bị bóc lon, cách chức, đưa lên các đồn lẻ ở Thượng Du làm lính cả!

Còn các đảng viên thường, như thư ký, tham tá, giám học, giáo sư, các nhà buôn, các nhà kỹ nghệ, ít anh em thợ thuyền nữa, nếu thiếu các anh em gươm, súng, thì trong một cuộc cách mệnh sắc máu, nào làm được việc gì!

Cho nên, kể là lực lượng chân chính của cách mệnh sau ngày anh Học bị bắt hụt ở Võng La, sau ngày mấy nghìn bom ở Bạch Mai, ở Thái Hà bị móc mói, ở Hà Nội, Đảng chỉ còn có Đoàn Ám Sát là đáng kể, thế thôi!

Đoàn ấy, tuy chỉ huy là anh Song Khê, song lãnh đạo chính là anh Đoàn Trần Nghiệp.

Anh Nghiệp năm ấy 19 tuổi, quê quán làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Ông thân sinh anh là Đoàn Văn Ba, bà là Đinh Thị Thuận, làm nghề hàng bạc, và nhà ngày ấy ở số 56 phố hàng Bạc.

Hồi 1928, anh làm thuê ở hiệu buôn Gô-đa, và vào học sinh đoàn của Đảng. Giúp tôi, anh vẫn viết các sách vở tuyên truyền và in tờ báo “Hồn Cách Mệnh”. Khi Đảng mở Việt Nam Khách Sạn, thì anh về làm thư ký coi kho ở đấy. Vì còn nhỏ nên mọi người gọi đùa anh là “cậu Ký con”. Cái tên Doãn, là tên trong Đảng của anh. Anh còn cái biệt hiệu nữa là Sĩ Hiệp, đặt ra từ lúc sung vào Đoàn Ám Sát. Người anh dỏng cao, da trắng xanh, miệng luôn luôn như cười, và hai môi đỏ như son. Mắt sáng và nhanh, có vẻ hiền lành hơn là dữ tợn. Trong các kỳ Hội Đồng, tôi chưa từng thấy anh nói. Con người ấy sống bên trong nhiều hơn là sống bên ngoài. Xin chớ ai lầm nhà hiệp sĩ của chúng ta là một kẻ “ăn thịt người không tanh”. Đó là một người ôm một lý tưởng cao siêu, không chịu nổi ở đời những cái gì nhỏ nhen, là nhơ bẩn, là đê hèn, khốn nạn!

Sau khi khách sạn đóng cửa, anh bị bắt nhưng được tha ra ngay, vì những kẻ phản đảng không biết có anh là đồng chí. Tha ra rồi, anh cùng anh Viển, anh Viên, thường theo anh Học, anh Song Khê mà làm việc cho Đảng. Trước làm giao thông, sau sung vào làm Ám

Đoàn, và làm trưởng Đoàn Ám Sát. Cái đoàn của anh chỉ huy, kể ra nhiều lắm. Tuy vậy, nó là một cơ quan bí mật, trừ đoàn trưởng ra chẳng những người ngoài đoàn, mà đến người trong đoàn cũng không biết ai là ai nữa. Chúng ta chỉ có thể biết được tên các anh nghĩa hiệp ấy khi chẳng may bị bắt, và bị giết! Nhưng trong đó đã lẩn quất biết bao nhiêu bậc chí nhân, thánh nhân như lời Trang Tử dạy “không cầu công, không cầu danh, vì không biết có mình!”(1)

Sau khi Tổng Bộ đã định kỳ khởi sự, Doãn được lệnh đúng ngày ấy Đoàn Ám Sát phải cắt đứt hết các dây thép, dây nói, và ném bom vào sở Mật Thám, sở Cảnh Sát, sở Sen Đầm. Cơ quan của Doãn khi ấy đặt ở 24 phố hàng Giấy, tức là nhà ông Đào Tiến Tường. Đôi vợ chồng già này, tuy không vào Đảng song ủng hộ Đảng rất nhiệt tâm. Nào bom, nào súng sáu, nào dao găm, bao nhiêu những của giết người ấy, bà cùng các cô con gái bà vẫn giấu giếm và coi giữ hộ các anh em chiến sĩ…

Sớm ngày mồng 10 tháng Hai, vì việc ném bom, Anh cho gọi tất cả năm người trong đoàn đến. Cả năm anh đều là học trò trường Bách Nghệ: Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Quang Triều và Nguyễn Bá Tâm. Lần lượt, lần lượt, Anh giao cho mỗi người bốn trái bom bọc gang, và dặn mỗi anh một nơi, đúng tám giờ tối, phải ném vào sở Sen Đầm, sở Mật Thám và hai sở Cảnh Sát, bót hàng Trống và bót hàng Đậu. Ném xong, về trình diện Anh biết.

Anh em vâng lời và mọi việc đã làm đúng theo mệnh lệnh. Chín giờ, anh Doãn cùng bọn đi cắt dây nói, dây thép về đầu tiên, rồi lục đục đến các anh ném bom về trả lệnh. Ông bà Đào Tiến Tường mừng quýnh, người lau cốc, người mở sâm banh, rót ra để khao cho các chiến sĩ, và để mừng cho “Việt Nam cách mệnh thành công!”

Trong khi tiếng cốc chạm, tiếng cười vang, mọi người chợt nhớ ra: “Quái lạ! Anh Nguyễn Bá Tâm đâu không thấy?”

Anh Tâm, khi ấy 18 tuổi, quê ở Phú Thọ, đã vì sự tình cờ mà bị thương và bị bắt. Sau anh ra Côn Lôn, có lần tôi gặp anh quét sân ở bên “Banh cũ” (Trại giam số một). Anh kể cho tôi nghe câu chuyện của anh như sau này:

“… Chắc anh cũng biết, đó chỉ là một chuyện nghi binh. Chúng tôi mong làm thế để cho dân chúng nôn nao, và may ra chúng nó sợ Hà Nội có biến, không dám đem quân đi đánh các tỉnh… Buổi chiều hôm mồng 10, tôi còn đi học. Hai quả bom gang, tôi vẫn bỏ chơi trong túi. Tám giờ tối mới đến trước bót hàng Đậu, thấy một người vào gõ cửa, tôi ném luôn ngay vào chân nó. Thế nào bom nổ mà nó lại chạy thoát. Tôi định ném luôn quả nữa, thì một đứa ở đâu chạy lại. Nó chạy mau quá thành ra đập vào tay tôi, làm cho bom nổ trong tay! Bàn tay tôi băng đi mất! Tôi cố nhịn đau, chạy lên nằm ở trên cầu. Nghĩ thế nào cũng chết, tôi rút dao ra tự tử, nhưng dao cùn quá, đâm mãi cũng không thủng cổ! Đau quá! Bấy giờ tôi nằm không yên nữa, đành phải gọi xe đem tôi vào nhà thương. Chúng nó cắt cụt tay tôi, chữa cho tôi lành. Lành, rồi chúng nó tra tấn cực kỳ là chó! Nghĩ chối mãi, nó đánh cũng chết, tôi đành nhận là thủ hạ của anh Doãn. Nó hỏi anh Doãn ở đâu? Tôi khai anh thường nằm ô-ten, không chỗ ở nhất định. Nó hỏi ban ám sát có những ai? Tôi khai, trừ anh Doãn ra, tôi chỉ quen anh Học, anh Chính thôi, chứ chẳng biết ai, và cũng chẳng vào chi bộ nào cả…”

————-
(1) Xem “Trang Tử: Nam Hoa Kinh”, Nhượng Tống dịch.

Tôi nhắc mẫu chuyện ấy ra đây, để anh em sống sót nhớ đến một người đồng chí. Vì người đồng chí ấy là người mà ta nên nhớ. Vì người đồng chí ấy là người trai mười mấy năm trường lặn lội mãi trong đám bùn đời mà vẫn giữ được cái bản sắc là một người trong đoàn ám sát; năm ngoái đây, chỉ một tay, anh đã băm chết tên tri huyện sở tại là một tên có tiếng tham tàn. Băm xong, anh tươi cười để lính trói anh, và tươi cười bước lên máy chém.

Những anh ném bom với anh đêm ấy, cho đến cả anh Doãn, sau đều lục tục bị bắt, và hy sinh vì nghĩa trước anh.

[Bấm chuột vào đây đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt