Sách: Nguyễn Thái Học – Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống

Sách Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng của học giả Nhượng Tống gồm 43 chương, kể lại một cách trung thực và trách nhiệm của người cầm bút. Đây là tài liệu lịch sử quý giá, xin mời qúy vị đọc để thấy tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta trong sáng đến mực nào! tấm gương yêu nước trong sáng chói rọi đến bao thế hệ mai sau. Sau đây chương XI, XII và XIII

[Bấm vào đây đọc các chương trước]

CHƯƠNG XXXVIII

Anh Ngô Hải Hoàng

Anh Ngô Hải Hoàng quê ở Nghệ An, vào đảng từ năm 1928, ở chi bộ Tuyên Quang. Từ khi đổi sang Yên Báy, anh lại theo anh em ở đấy mà làm việc, và chính anh được thay anh Quản Cầm chỉ huy anh em võ trang trong việc Đảng đánh Yên Báy. Tôi thuật lại lời đối đáp của anh với tên chánh Hội Đồng Đề Hình Yên Báy, họp ngày 28 tháng Ba.

Tên chánh Hội Đồng hỏi:

– Sao anh lại đánh Yên Báy?

Anh đáp:

– Không phải tôi đánh mà là Trung Ương Đảng bộ hạ lệnh tôi đánh. Các ông còn lạ gì kỷ luật Đảng tôi; không phục tòng mệnh lệnh, Đảng xử tử! Đánh với các ông thua ra nữa, cũng đến xử tử là cùng!

Hỏi: Anh thật là người vô ơn! Ông quan ba Dua-đanh là quan thầy tử tế với anh, vậy mà đêm ấy, anh bắn chết ông ta trước nhất.

Anh đáp: Ông Dua-đanh tử tế với tôi thật, nhưng đó là tình riêng. Còn tôi giết ông ta là bổn phận đối với Đảng, với Nước. Người Việt Nam chúng tôi, thì bao giờ cũng đặt nghĩa công lên trên tình riêng.

Hỏi: Anh thật là hạng người tàn ác. Một mình anh đêm ấy đã giết chết sáu người Tây.

Anh đáp: Tôi làm gì giết được nhiều như thế! Anh em tôi giết nữa chứ! Thế nhưng cả Đảng chúng tôi, chỉ là một người, anh em tôi giết cũng chính là tôi giết. Tôi sẵn lòng chịu hoàn toàn trách nhiệm!…

Vâng! Anh đã được cái vinh dự thay Đảng mà chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đánh Yên Báy, cùng với 39 anh nữa, cùng bị chúng xử tử.

Ấy là những người đã đem tính mệnh mà hy sinh cho Đảng đầu tiên…

CHƯƠNG XXXIX

Ấp Cổ Vịt

Khi ấy, các nơi hương thôn đều phải lập điếm canh nhật, dạ để kiểm soát những người lạ mặt qua lại trong làng.

Vậy, ấp Cổ Vịt, thuộc về tên Cờ-lê-be, gần đồn Chi Ngại, tỉnh Hải Dương, cũng phải lập điếm canh. Và nhờ thế lực tên chủ Tây, bọn phu tuần ở đấy lại được tên chủ đồn Chi Ngại phát cho hai khẩu súng và mấy chục viên đạn!

Hồi tám giờ rưỡi sáng ngày 20 tháng Hai, năm tên phu tuần đương ngồi chơi ở điếm. Chợt thấy nhóm sáu người, ăn vận lối phu mỏ, vai khoác tay thông đi tới. Chúng liền ngăn lại hỏi thẻ. Bốn người đứng lại đưa thẻ cho chúng coi, còn hai người kia nghiễm nhiên đi thẳng. Chúng vừa hô hoán vừa đuổi theo. Hai người cầm bom ném lại. Quả bom thứ ba không nổ, nhưng hai quả đầu tiên đã lộn đất trũng bằng cái thúng! Bọn tuần thấy thế nguy, giương súng bắn. Hai người khách lạ trúng đạn, ngã lăn ra mặt đất. Chúng xúm lại, kẻ đâm bằng giáo, người đánh bằng gậy! Chán tay rồi chúng mới bắt trói. Trong khi ấy thì bốn người kia đã vừa ném bom lại, vừa tìm lối tẩu thoát! Những bom ấy, họ đã chứa trong tay thông mà họ khoác trên vai!

Hai người mà chúng bắt được, một người tức là anh Học, một người thì là anh Sư Trạch, một nhà tu hành giỏi võ, thường đi theo hộ vệ cho Anh. Anh Học bị chúng đánh gãy tay! Anh Sư Trạch thì bị chúng bắn què chân (1). Hỏi biết lý lịch rồi, chúng mừng rơn! Tuy vậy, chúng còn nhân nghĩa vờ:

– Khổ quá! Sao ông không nói ngay? Nếu chúng tôi biết ông là Nguyễn Thái Học thì chúng tôi mặc ông đi tự nhiên! Bây giờ đã trót lỡ rồi, làm thế nào cho được!

Anh Học cười:

– Ồ! Thôi cứ việc khiêng ta nộp với Tây mà lãnh thưởng!

Ở đời, những sự bất nhẫn con con, có khi làm lỡ việc lớn. Trong túi Anh còn mang súng lục. Nếu anh bắn lũ tuần ngay khi chúng hỏi thẻ, và ném bom ngay bấy giờ, thì chắc là đi thoát! Bởi lòng thương người của Anh quá ư cẩn thận, không muốn giết thêm mấy người đồng bào vô tội, vì những người đồng bào vô tội của ta đã bị hãm hại nhiều lắm, nên Anh chỉ muốn ném bom dọa cho chúng sợ! Có ngờ đâu “thương người mà khốn đến thân!”

Chúng vội vàng báo với tên chủ Tây, khiêng hai anh lên đồn Chi Ngại. Chúng đã bỏ mỗi anh vào một cái thúng mà khiêng, có tên chủ Tây cưỡi ngựa đi kèm! Suốt hôm ấy, hai anh bị giải từ Chi Ngại lên Hải Dương, từ Hải Dương lên Hà Nội ngay! Nực cười nhất là tên chủ Tây lại tự nhận lấy làm công mình, định tranh với lũ phu tuần năm nghìn đồng bạc thưởng! Nhưng tên Đốc Lý Hải Phòng lại cố sức bênh bọn phu tuần.

Anh bị giam ở Hà Nội, đến ngày mồng hai tháng Ba thì người ta cho tất cả gia quyến vào thăm Anh.

Bà Bá thấy Anh, cố nín lệ mà ôm lấy con. Anh được lạy tạ bà, vì Anh đã “đắc trung thất hiếu”…

————-
(1) Anh Trạch sau bị đày sang I-ny-ny Guyan, rừng Amazon – Nam Mỹ), và tự sát ở đấy.

CHƯƠNG XXXX

Cơ Quan Hàng Bột

Tôi muốn nhắc lại chuyện cơ quan Hàng Bột ra đây để đánh dấu cái tinh thần cách mệnh ở phụ nữ nước nhà hồi ấy.

Đó là cơ quan của Ám Sát Đoàn, do anh Độ chủ trương.

Anh Độ, một công nhân, đảng viên ở Hải Phòng, sau sang làm thợ bên Lào. Nghe tin Đảng sắp tổng động binh, trong túi không có sẵn một đồng tiền, anh đã chứa một đãy gạo rang, rồi đi xuyên sơn mà về Bắc. Anh đi trong rừng, nhiều chỗ không có đường lối. Anh cứ theo ánh mặt trời, thẳng hướng Đông mà đi mãi. Mấy ngày sau gạo hết, anh tìm ăn các trái cây, các thứ củ trong rừng. Ăn no bụng rồi lại đi… Đêm thì trèo lên các ngọn cây mà ngủ! Ròng rã mười bảy ngày như thế, anh mới về đến Hòa Bình!

Khi anh về đến Bắc, thì việc Yên Báy đã thất bại rồi! “Dậu đổ bìm leo”… Bảo vệ cho Đảng, giữ vững tinh thần trong anh em, lúc bấy giờ phải có một Ám Sát Đoàn thật mạnh! Anh liền tình nguyện với anh em, cho sung vào Ám Sát Đoàn. Được anh Học và anh trưởng đồn công nhận rồi, anh liền tổ chức nên cơ quan Hàng Bột.

Chiều hôm mồng hai tháng Ba, Mật thám đến vây cơ quan. Trong cơ quan lúc ấy có 5 người, 3 người con trai và 2 người con gái. Thấy họ ập vào, các đồng chí ném bom và bắn súng chống lại. Hai tên thám tử Việt Nam bị chị Tâm bắn chết! Trong khi ấy họ cũng rút súng bắn trả. Hai anh đồng chí đã bị giết. Còn thì bị bắt cả. Bao nhiêu bom, dao, súng đạn còn lại, đều bị bắt theo. Chị Tâm bị chúng lôi ra đánh rất tàn nhẫn. Chúng lột trần truồng chị, rồi nắm tóc mà quật vào tường, như chúng ta vật con chuột! Chán rồi, chúng xích tay chị lại, và cùm xuống buồng giam. Đêm ấy, chị đã nuốt cái giải yếm cho tắt hơi mà về dưới dạ đài. Lúc chúng rút giải yếm ở mồm chị ra, thấy họng đầy những máu! Năm ấy chị 18 tuổi, quê quán ở Dư Hàng, cạnh Hải Phòng. Tên ở nhà trường của chị là Lan. Vốn là con một nhà cách mệnh bị giết về tay cường quyền, vào Đảng, chị mong đạt được cả hai mục đích: trả thù nhà, đền nợ Nước.

Người đồng bạn của chị là Nguyễn Thị Vân, 16 tuổi, quê quán làng Hạ Câu, huyện An Lão, tỉnh Kiến An. Cũng như chị Tâm, trước mới vào Đoàn Học Sinh, sau mới đổi sang Đoàn Ám Sát. Chị đã trả lời với Mật thám rất cứng cáp:

Hỏi: “Mày vào Đảng để làm gì?”

Chị đáp: “Để lấy lại quyền Độc Lập cho Tổ Quốc!”

Hỏi: “Mày đã làm gì trong Đảng?”

Chị đáp: “Hồi trước thì may cờ, khâu binh phục cho các đồng chí. Bây giờ thì tập bắn súng, học chế bom, để giết quân phản Đảng mà cứu lấy đồng bào!”

Hỏi: “Ai rủ mày vào? Chi bộ mày có những ai?”

Chị đáp: “Chị Tâm rủ tao vào. Chi bộ tao có bốn người thì chúng mày đã giết hết ba rồi đấy!”

Hỏi xong chị Vân rồi, họ hỏi đến anh Độ. Tha hồ đánh, anh không nói nửa lời! Vì thế, chúng không biết tên anh là gì! Đem anh ra đối chất với tất cả các chính trị phạm, nhưng không ai chịu nhận anh. Bất đắc dĩ chúng hỏi bọn tù thường. Một tên kẻ cắp nói rằng: “Khi xưa anh này ở Hải Phòng, vẫn thấy gọi là anh Độ!” Thế rồi chúng biên tên anh là anh Độ… (Anh Trịnh Văn Yên! Anh hãy bảo tôi biết tên thật của anh Độ, để lần tái bản sau tôi sẽ thêm vào!). Anh Độ sau bị xử khổ sai chung thân. Ở trong ngục anh còn tỏ cho mọi người biết cái can đảm lạ thường trong việc nhịn ăn. Có lần anh nhịn đến 22 ngày, người chỉ còn da bọc xương! Các đồng chí van lạy mãi, anh mới ăn lại. Mà quái lạ! Khi anh đã ăn lại rồi, thì nước da đổi hẳn, trông hồng hào và mịn màng như da đứa trẻ bụ sữa! Nhưng hồi tôi ở Côn Lôn về thì anh đang mắc “bệnh rò”, tức là triệu chứng của bệnh lao xương. Thương anh, các đồng chí vẫn thường gởi tiền, gởi thuốc cho anh. Nhưng vài năm nay không được tin tức gì, có lẽ anh đã thành người thiên cổ!

Chị Vân, vì cớ nhỏ tuổi, được xử 10 năm trừng giới.

Hai người bị bắn chết đến nay vẫn giữ được là hai người liệt sĩ vô danh!

Theo lệ thường, sau khi khám bắt, họ còn cho kẻ canh nhà để rình bắt thêm người. Cũng vì thế, sớm hôm sau họ bắt thêm được một bà già, tay cắp cặp, đậu xe xuống trước cơ quan. Trong cặp có ba khẩu súng lục và hơn tám trăm đồng, hai món quà của bà đem tặng cho đoàn ám sát! Bà già ấy tức là bà Chánh Toại. Một bà mà sau đó ở tù, bọn tù đàn bà đều gọi là mẹ! Một bà mà thân thế đã làm vẻ vang cho phụ nữ tỉnh Bắc. Bà đã làm giàu bằng nghề buôn súng lậu! Và từ khi có đảng, bà đã dùng cái nghề buôn cùng cái gia tài của bà mà giúp một cách đắc lực, một cách tận tâm cho các anh em trong ám sát đoàn.

[Bấm vào đọc chương cuối]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt