Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (17)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương II: “BIẾN CỐ LỊCH SỬ QUAN TRỌNG”

THIÊN THỨ BA (1940-1946)

CHƯƠNG II: BIẾN CỐ LỊCH SỬ QUAN TRỌNG –

CUỘC CHÍNH BIẾN NGÀY 9/3/1945

Tại hội nghị Québéc hồi tháng 8 năm 1943, các quốc gia Đồng Minh quyết định phân công tiến đánh vào các quốc gia bị Nhật Bản chiếm đóng tại vùng Đông Nam Á Châu.

Sang tháng 10, Tướng Mac Arthur đã đổ bộ lên Phi Luật Tân. Trên bán đảo Đông Dương, Nhật thấy Pháp bí mật điều động binh sĩ đến tăng cường cho các vị trí chiến lược. Đồng thời Thống sứ Bắc Kỳ là Chauvet mật ra lệnh cho sở Công Chính đánh gấp hàng vạn xích sắt theo kiểu liên hoàn.

Vậy rất có thể một ngày kia, quân đội Đồng Minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương. Khi đó quân đội Thiên Hoàng phải đối phó với cả hai mặt: nội công, ngoại kích.

Bởi vậy, tháng Giêng năm 1945, Nhật tăng quân số tại Đông Dương từ 35.000 người lên tới 60.000; đồng thời lại bí mật thuyên chuyển những tướng lãnh chỉ huy cao cấp.

Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, Đại tướng Matsumoto gửi “tối hậu thư” cho Toàn quyền Decoux hiện trú tại Sài Gòn, đòi lập tức phải để quân đội Pháp tại Đông Dương thuộc dưới quyền chỉ huy của các tướng lãnh Nhật Bản. 

 

Quân Nhật đảo chánh Pháp tại Việt Nam

Rồi thừa sự bất ngờ, ngay chập tối hôm ấy vào hồi 20 giờ, quân đội Nhật Bản tấn công khắp các đồn binh Pháp trên toàn cõi Đông Dương một cách chớp nhoáng, khiến cho Pháp quân không kịp trở tay. Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, quân đội Thiên Hoàng đã toàn thắng, làm chủ được tình hình. Các Đại tướng Pháp Mordant, Aymé cùng binh sĩ đều bị bắt làm tù binh, số phận các cai trị Pháp cũng vậy; duy có một số tướng sĩ ở các đồn binh biên thùy là trốn thoát sang lãnh thổ Trung Hoa.

Đúng hồi 12 giờ trưa ngày mồng 10, cờ Mặt Trời đỏ chói đã tung bay khắp nơi, giấy cáo thị tuyên bố cùng nhân dân Việt Nam được dán khắp bờ tường, trật tự an ninh được vãn hồi, các cơ quan hành chính, các xí nghiệp điện, nước, xe lửa, v.v… trở lại hoạt động như thường lệ. Binh gia Nhật Bản cũng không quên ra lệnh thả hết các chính trị phạm Việt Nam ra khỏi các ngục thất, các trại giam tập trung.

Vị Tổng Tư lệnh quân đội Nhật Bản tại Đông Dương tuyên bố: “Chính phủ Đông Kinh long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam để cùng nhau lập khối thịnh vượng chung Đông Nam Á.”

Ủy ban chính trị Bắc Kỳ được thành lập dưới sự lãnh đạo của “Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh” liên lạc với giới chính trị, quân sự Nhật Bản. Trên trường chính trị Việt Nam, Nhật Bản có ý định đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để về lập chính phủ. Mặt Trận Quốc Gia Liên Minh thì lại đòi hủy bỏ chế độ quân chủ, thay thế bằng chế độ dân chủ, do Mặt Trận đứng ra lập chính phủ. Nhưng rốt cuộc, người Nhật lại không muốn làm đảo lộn guồng máy cai trị đương giữa thời kỳ chiến tranh bước vào giai đoạn quyết liệt nên quyết định giữ lại vai trò Hoàng Đế Bảo Đại. Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh tuyên bố rút lui, giải tán Ủy ban Chính trị Bắc Kỳ. Nhiều chính khách và cách mạng Việt Nam bắt đầu chán ngấy chính sách của Nhật Bản. 

CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM 

Thủ Tướng Trần Trọng Kim (1945)

Tại Huế, chiều ngày mồng 9 tháng 3, Hoàng Đế Bảo Đại cùng đoàn tùy tùng từ nội thành tiến ra để đi săn bắn. Vừa ra khỏi cổng thành bị Nhật quân ngăn giữ lại. Phải đợi mãi tới sớm ngày hôm sau, khi dẹp Pháp quân đã xong, nhà Vua mới được trở lại nội thành, và bắt đầu có cuộc tiếp xúc.

 Đến ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20, (tức ngày 11 tháng 3), Viện Cơ Mật thừa lệnh Hoàng Đế Bảo Đại ra bản tuyên cáo:

 “… Kể từ ngày ra bản tuyên cáo này, Chính phủ Việt Nam tuyên bố độc lập, hủy bỏ tất cả những hiệp ước đã ký với nước Pháp.”

Ngày 19 tháng 3, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố: Chịu trách nhiệm hoàn toàn và chấp nhận đơn xin từ chức của toàn thể Nội Các.

Ngày 17 tháng 4, Hoàng Đế Bảo Đại trao quyền lập Tân Nội Các cho nhà học giả Trần Trọng Kim được triệu thỉnh từ Tinh Châu (Singapore) về.

Nội Các Trần Trọng Kim (1) gồm các nhân vật trí thức tân học thiếu hẳn  nhân vật cách mạng, thành tâm nỗ lực làm việc, nhưng gặp phải rất nhiều trở ngại và khó khăn, nhất là vấn đề ngoại giao với giới chính trị và quân nhân Nhật Bản. 

 Những cơ quan trọng yếu, vì tình thế hoàn cảnh đặc biệt, người Nhật vẫn nắm giữ hết. Tại Nam Kỳ, Minoda giữ chức Thống Đốc; tại Trung Kỳ, Lãnh Sự Yokoyama giữ chức Khâm Sứ; tại Bắc Kỳ, nhà ngoại giao Toukamoto nắm giữ chức Thống Sứ.

 Đến vấn đề nội trị, thì cả một guồng máy cai trị địa phương quan liêu thối nát ích kỷ từ hàng thế kỷ còn tồn tại, Chính phủ chưa kịp chấn chỉnh thay thế, lại thiếu cán bộ đi tuyên truyền giải thích, mệnh lệnh chỉ bằng giấy tờ chiếu lệ, nhân dân đương sống trong cảnh lầm than đói chết, trong cảnh chiến tranh hãi hùng, chán ghét cả Pháp lẫn Nhật và Triều Đình. Trừ một thiểu số trí thức, còn hầu hết không hiểu một tí gì về những biến chuyển lịch sử quốc gia dân tộc, nên sức hậu thuẫn của Chính phủ trở nên rất mong manh.

Mặc dầu gặp bao sự khó khăn cản trở, Tân Nội Các cũng cố gắng thực hiện chương trình cải cách: đổi quốc kỳ, thay quốc hiệu là “Việt Nam,” dự thảo hiến pháp, chấn chỉnh thuế khóa, cải cách việc học, đặt quốc ngữ làm căn bản; gây phong trào thanh niên khỏe ái quốc, ân xá chính trị phạm, ban hành sắc lệnh tự do lập Đảng, đổi tên đường phố mang danh ngoại quốc bằng tên các danh nhân Việt Nam; đồng thời ra lệnh cho hủy bỏ các bức tượng của Thực dân đặt tại các công viên, nhưng tuyệt đối không hề xâm phạm đến tính mạng cũng như tài sản của ngoại kiều.

 Để phát động phong trào cách mạng, ngày 17 tháng 6 năm 1945, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống, Ngô Thúc Địch… trong Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh tổ chức lễ kỷ niệm 13 vị liệt sĩ Yên Bái tại vườn Bách Thảo Hà Nội và khắp các tỉnh Bắc Kỳ một cách rất long trọng.

NGÓT HAI TRIỆU DÂN CHẾT ĐÓI 

Hình ảnh và cảnh tượng chết đói tại miền Bắc năm Ất Dậu (1945)

Khó khăn cho chính phủ Trần Trọng Kim hơn nữa là nạn đói đang hoành hành dữ dội ở đất Bắc, số người bị chết đói càng ngày càng nhiều. Nguyên do từ ngày quân đội Nhật Bản đặt chân vững trên bán đảo Đông Dương, tướng lãnh Nhật Bản bắt chính quyền Pháp ra lệnh cho nông dân Bắc kỳ phải để ra một phần lớn ruộng đất, mà đa số ruộng đất đã được trồng tỉa hoa màu rồi, phải phá hủy hết đi để trồng đay bán với giá rẻ mạt cho quân đội Nhật Bản. Đồng thời quân đội Nhật lại tung tiền Đông Dương Ngân Hàng ra mua thóc của nông dân với một giá rẻ đặc biệt, để tích trữ lương thực cho quân đội.

Còn Pháp, Jean Decoux, Toàn quyền Đông Dương cũng ra lệnh mua tích trữ một số thóc khá lớn “Bỏ Kho” để chờ một cuộc đổ bộ của Đồng Minh mà không bao giờ có (?) bắt đầu từ vụ lúa mùa tháng 10 năm 1943 cho mãi tới vụ lúa mùa năm 1944; tất cả là 3 vụ lúa.

Theo những con số chính thức của sở thống kê, số thóc mà Bắc Kỳ sản xuất trong năm 1944 là 17.620.000 tạ thóc (căn cứ vào diện tích ruộng cấy lúa: 1.386.000 mẫu tây). Số thóc ấy chỉ đủ nuôi sống nhân dân Bắc kỳ. Thực dân Pháp thừa biết rõ hơn ai hết, nhưng cứ ra lệnh.

 Điền chủ có từ 5 mẫu ruộng đất trở xuống, mỗi mẫu phải bán cho Chính phủ 80 kí lô thóc; từ 5 mẫu trở lên đến 20 mẫu, mỗi mẫu phải bán 200 kí lô thóc. Những đất vườn không cấy lúa được, cũng đều phải tính thành điền và mặc dầu gặp phải vụ lúa thất bại, cũng phải bán cho Chính phủ Thực dân đủ số thóc đã định, chiếu theo địa bạ do trưởng bạ trong làng kê khai.

Giá mua chính thức là 1đ 40 một thùng 10 kí lô vào năm 1943, giữa khi ấy giá thóc trên thị trường tự do, mỗi thùng 10 kí lô bán từ 2đ 50 – 3đ 00. Sang vụ lúa Chiêm năm 1944, giá thóc thị trường tự do bỗng cao vọt lên tới 2đ 30 rồi lần lên tới 6đ 70 một thùng 10 kí lô, mà Chính phủ Thực dân vẫn chỉ trả theo giá cũ, nghĩa là 1đ 40 một thùng 10 kí lô như trước.

 Đến cách thu thóc, mỗi khi đến vụ lúa chín, điền chủ phải lên phủ, huyện sở tại ký giấy bán thóc, rồi về lý trưởng ở làng lĩnh số bao tải để đựng, tùy theo số thóc phải bán ít hay nhiều. Thóc phải phơi rõ thật khô và rê sẩy thật kỹ đóng vào bao, rồi điền chủ phải vận tải lên tỉnh lỵ nộp cho đại lý. Đại lý là một nhà buôn trong liên đoàn ngũ cốc được chính quyền thực dân cử ra thu nhận số thóc của các điền chủ đem nộp; dĩ nhiên là đại lý được hưởng một số hoa hồng trong số thóc đã thu được ấy.

Lợi dụng tình thế, hạng con buôn thiếu lương tâm, đã ỷ quyền cậy thế bóp nặn đồng bào bằng nhiều thủ đoạn: nào chê thóc xấu, còn ẩm, rê không kỹ; nào dùng cân gian lận, xén đầu bớt đuôi, làm cho các điền chủ phải chịu trăm phần khổ cực, mới lấy được mảnh giấy biên nhận.

Để tránh sự áp bức bóc lột quá đáng ấy, các điền chủ đã phải đem số ruộng hiện hữu chia bớt cho các con, hoặc làm giấy bán hờ cho thân quyến, để số thóc phải bán cho được nhẹ bớt đi; vì có từ 5 mẫu ruộng trở xuống chỉ phải bán có 80 kí lô thóc. Nhưng chính quyền thực dân vẫn cứ chiếu theo địa bạ cũ mà hành thu, và ra lệnh cấm các điền chủ có từ 5 mẫu ruộng trở lên, không được phép tích trữ trong nhà quá số 2.000 kí lô thóc, có từ 5 mẫu trở xuống không được tích trữ quá số 1.000 kí lô thóc, và có từ một mẫu trở xuống không được tích trữ trên 500 kí lô thóc.

Phản ứng lại, các điền chủ bèn áp dụng giải pháp phân tán số thóc nghĩa là đem bớt thóc gửi rải rác ở các nhà nghèo quen thuộc, làm bọn quan lại sở tại đem lính bao vây khám xét, bắt bớ giam cầm, hành hạ nông dân rất mực tàn nhẫn.

Cực chẳng đã! Chính quyền thực dân phải thi hành chính sách vơ vét bằng tiền, nghĩa là điền chủ phải lên tỉnh nói khéo van lơn với đại lý thu thóc, xin nộp tiền thay cho số thóc còn thiếu, nhưng phải nộp theo giá thóc thị trường vào đầu vụ Chiêm năm 1944 là 7đ 00 mười kí lô; đại lý sẽ trừ đi 1đ 40 theo giá mua của chính phủ, điền chủ còn phải nộp thêm 5đ 60 để đại lý đong thóc thế vào. “Cấn tiền” là một lối ăn cướp ngày trắng trợn, một thủ đoạn bóc lột tinh vi khoa học vô cùng tàn nhẫn.

 

Cảnh chết đói đầy đường tại miền Bắc Việt Nam năm Ất Dậu (1945)

Ngoài sự Nhật và Pháp vơ vét thóc của nông dân Bắc Kỳ; các hãng nấu rượu cũng hoạt động mạnh, số rượu sản xuất còn cao hơn các năm thái bình nhiều, để thay thế cho ét-săng (essence) không nhập cảng được nữa! Phần khác bọn con buôn Hoa Kiều tìm đủ mánh khóe để chở gạo sang Trung Hoa bằng thuyền buồm đi ven bể, mặc dù có lệnh cấm xuất cảng, vì Trung Hoa lúc ấy cũng có nạn đói kém. Một lý do nữa, là bạc bị sụt giá, vì nạn lạm phát, hàng hóa lại khan hiếm, thành ra các con buôn có nhiều tiền không biết làm gì hơn, bèn đua nhau vung tiền ra đong thóc, không những chắc chắn, mà lại lời nhiều. Bấy nhiêu lý do đủ gây nên nạn đói trầm trọng. Lại thêm họa thiên tai. Suốt dọc miền duyên hải Bắc Kỳ từ tháng 5 năm Giáp Thân (1944) bị gió bão, nước bể dâng lên đến 3 lần lôi cuốn nhà cửa, thóc lúa, hoa mầu cùng súc vật, gây thiệt hại cho nhân dân không ít! Thời tiết trái ngược, mới bắt đầu tháng 10 Âm Lịch (1944) mà thời tiết đã rét sớm cũng hơn cả mọi năm, gió bấc thổi ròng rã hàng tuần, tiếng gào thét nghe rùng rợn, lại thêm mưa rả rích lạnh buốt thấu tâm can. Một manh áo rách tả tơi hay một manh chiếu cũ, hoặc một chiếc bao bố nát đã thải ra, được khoác vào tấm thân gầy còm vì thiếu cơm; hỏi chống làm sao nổi với rét với mưa kéo dài hàng 3, 4 tháng! 2 

Nạn đói bắt đầu! Người dân kiếm được chút tiền, nhưng lại kiếm đâu ra gạo! Mà có chăng nữa lại bị đắt đỏ quá không đủ tiền mua! Người nông dân bắt đầu giết dần gia súc để ăn thay cơm. Khi gia súc hết, phải đi kiếm những trái sung xanh, đào bới củ chuối, thân cây chuối, rồi đến loại rau má, rau rền, rau dại, mọc khắp ngoài bờ ruộng về nấu ăn cho đỡ đói lòng.

Gia súc hết, cây cối rau trái, mỗi ngày mỗi trở nên trơ trụi, rồi hết dần. Người nông dân lại bắt đầu phải gỡ dần từng bộ phận ngôi nhà mình đương ở, bụng lép kẹp vác đến các thị trấn, bán làm củi thổi, để có tiền đong chút gạo hoặc tấm cám, về nấu cháo húp đỡ với nhau cho qua ngày.

Đói đến nỗi phải liều mạng cướp giật thực phẩm trên chốc tay người khác, mặc dầu người ấy vì sự sinh tồn phải đánh chết mình. Đói đến nỗi, phải gậm lại những thứ mà người ta đã quẳng bỏ vào sọt rác ở vỉa hè!

Trên các ngả đường quê và nhất là tại các chợ, không nơi nào là không thấy đầy dẫy những xác chết, thân hình khô đét nằm còng queo.

Trời lại mỗi ngày một rét dữ và mưa to suốt ngày đêm, bụng đói cật rét, nên số người bị chết ngày càng nhiều.  Người còn sống sót không đủ sức chôn kẻ đã chết, họ phải dùng đến dây thừng tròng vào chân vào cổ kẻ bất hạnh, rồi kéo đi vùi nông một nấm, hoặc đào hố chôn ngay tại chỗ cho xong. Có nhiều gia đình bị chết hết, không sống sót một người!

Tại các đô thị, từng đoàn người lũ lượt bồng bế dắt díu nhau đến để xin ăn, nhưng trước khi đến nơi, họ phải bỏ lại biết bao nhiêu là người thân yêu bị ngã gục chết ở dọc đường.

Các hội từ thiện đã tổ chức những trạm cứu tế nạn nhân khắp các đô thị, nhưng chỉ cứu vớt được phần nào! Trên khắp các vỉa hè thành phố, đồng bào chết gục mỗi ngày mỗi nhiều, các hội Thiện phải thuê người đào sẵn những hố rất rộng, để cứ mỗi buổi sáng, người ta đi nhặt xác chết ở khắp các vỉa hè, đưa về tập trung trước cửa hội Thiện, rồi bó cho mỗi người một manh chiếu hở đầu hở chân, xếp lên xe vận tải chở đến nơi đã đào hố sẵn, hất cả xuống vùi đất lên.

Trong khi ấy thì kho của chính phủ thực dân còn chứa tới 500.000 tạ thóc để chờ quân đội Đồng Minh; thóc ở miền Nam người ta phải đem đốt để thay thế cho than tại các nhà máy. 

HAI TRÁI BOM NGUYÊN TỬ NÉM XUỐNG ĐẢO PHÙ TANG 

Trước tình thế bi đát ấy, một mặt chính phủ Trần Trọng Kim phái một Đại Biểu vào miền Nam để lo liệu việc vận tải gạo ra miền Bắc; nhưng gặp phải rất nhiều trở ngại, vì chiến tranh mà thiết lộ xuyên Đông Dương, các cầu bị phá hủy hầu hết; bằng đường bể thì tàu thuyền cũng bị đánh đắm rất nhiều, thuê mướn không được. Không chịu ngồi khoanh tay, chính Thủ tướng họ Trần phải thân ra Hà Nội điều đình với binh gia Nhật Bản để mượn một số thóc dự trữ đem ra phân phát cho đồng bào. Việc làm đã quá muộn, nên kết quả không thu lượm được là bao! Nạn chết đói lên tới hai triệu người dân đất Bắc.

Chết vì chiến tranh, chết vì nạn đói, lòng người dân thật hoang mang dao động, nhưng người dân cũng có một số phấn khởi phần nào khi thấy Chính phủ đã thu hồi được một phần cơ sở hành chính, Phan Kế Toại được bổ nhiệm chức Khâm Sai Bắc Việt thay thế nhà ngoại giao Toukamoto; Nguyễn Văn Sâm được bổ nhiệm chức Khâm Sai Nam Việt, thay thế Minoda; Yokoyama chỉ còn giữ chức Lãnh Sự Huế, ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng là nhượng địa của Pháp, cũng được trao trả lại cho Chính phủ Việt Nam.

Công việc đương được tiến hành gấp rút, thì ngày mồng 6 tháng 8 năm 1945, tiếp nhận tin Hoa Kỳ liệng hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Nhật Bản sửa soạn đầu hàng, làm cho tình thế đảo lộn hết.

Để ứng phó với biến chuyển thời cuộc mới, ngày mồng 7 tháng 8, toàn thể Nội Các Trần Trọng Kim đệ đơn lên Hoàng Đế Bảo Đại xin từ chức. Nhà vua chấp thuận, nhưng lưu lại với tính cách xử lý thường vụ.

Nhận thấy rất có thể một ngày kia, thực dân Pháp sẽ quay đầu trở lại Đông Dương, chiếu theo bản tuyên ngôn của Tướng De Gaulle ngày mồng 4 tháng 3 năm 1945. Ngày 16 tháng 8, Thủ Tướng họ Trần cho triệu tập Đại Biểu Đại Hội toàn quốc họp tại hội quán Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội, với mục đích dự thảo kế hoạch chống xâm lăng; đồng thời ủy nhà ngoại giao Trần Văn Chương thảo thông điệp và khuyên Hoàng Đế Bảo Đại gửi cho các vị Quốc trưởng các đại cường quốc, yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam. Có ý cố gắng tạo nên một tình thế coi như việc đã rồi! Nguyên văn bức thông điệp ấy như sau. 

Hoàng Đế Bảo Đại

“Hoàng Đế Bảo Đại

“Gửi Tổng Thống Truman

“Được tin Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Pháp sẽ yết kiến Các hạ để giải quyết tình thế tương lai của Đông Dương. Quả nhân xin tin Các hạ biết rằng các nước Đông Dương đã tuyên bố độc lập và quả quyết giữ vững nền độc lập ấy.

“Riêng về phần dân tộc Việt Nam, chúng tôi không coi Kiều dân Pháp là một kẻ thù, lại trọng nhân mạng và tài sản của họ; nhưng chúng tôi sẽ cực lực phản kháng việc nước Pháp lập lại nền thống trị của họ trên đất nước Việt Nam bất cứ theo một chế độ nào! 

“Chính sách thực dân nay không hợp thời nữa! Một dân tộc Việt Nam, đã có bốn ngàn năm lịch sử và một dĩ vãng vẻ vang không thể chịu ở dưới quyền một dân tộc khác!

“Nước Pháp nên cúi đầu theo lẽ công bằng ấy, mà Mỹ quốc là nước hào hiệp đã tuyên bố và bênh vực.

“Nước Pháp phải vui lòng thừa nhận chân lý đó để tránh khỏi tai vạ và chiến tranh có thể xảy ra trên đất nước chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh vừa kết liễu, dân tộc chúng tôi không dự kiến mà cũng đã chịu bao nhiêu nỗi khổ, nên chúng tôi chỉ mong tham dự vào kiến thiết mọi cuộc hòa bình hợp với công lý trên thế giới.

“Quả nhân nhờ Các hạ chuyển đạt thư này sang quý Chính phủ Anh, Trung Hoa và Nga.

“Xin Quý Tổng Thống vui lòng nhận lời cám ơn của Quả nhân và dân tộc Việt Nam vì công lý và nhân đạo mà giúp chúng tôi.” 

Bảo Đại 

TÌNH HÌNH CHÍNH TRƯỜNG BẮC VIỆT VÀO THU, ĐÔNG 1945 

Khi Nhật Bản sửa soạn đầu hàng Đồng Minh, thì tại phủ Khâm Sai Bắc Việt hàng đêm (2) luôn luôn có mấy cán bộ Cộng Sản Việt Nam do con trai Phan Kế Toại hướng dẫn đưa vào gặp Phan Kế Toại.

Trong khi ấy, một điện văn từ Triều đình Huế đánh ra mời 3 nhân vật: BS Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Long và Đặng Thái Mai vào Huế.

Ông Nguyễn Tường Long bị bệnh thương hàn phải nằm điều trị tại một bệnh viện tư; còn Đặng Thái Mai tìm không thấy BS Nguyễn, định sửa soạn ra đi, thì ông Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục, được cử làm Đặc phái viên của Triều Đình ra Hà Nội, với quyền thay mặt Thủ Tướng để giải quyết tại chỗ những vấn đề khẩn cấp.

Sau khi gặp Khâm Sai họ Phan và BS Chữ, Bộ trưởng họ Hoàng liền đánh điện vào Huế, đề nghị Thủ Tướng điện ra một Sắc Lệnh thiết lập một cơ cấu chính trị, gọi là “Ủy ban Giám đốc Chính trị Miền Bắc” (Comité directeur de la politique du Nord) gồm 5 nhân viên: 

1 chủ tịch: 

Bs Nguyễn Xuân Chữ

– Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ

4 ủy viên: 

– Phan Kế Toại

– Trần Văn Lai

– Đặng Thái Mai

– Nguyễn Tường Long 

Ủy ban gồm 5 nhân viên: Đặng Thái Mai không ra mặt lần nào! Nguyễn Tường Long cáo ốm; Phan Kế Toại luôn luôn vắng mặt từ sau khi Sắc Lệnh ban ra; còn ông Trần Văn Lai bận việc ở Tòa Thị Chính không đến. Ủy ban Giám đốc Chính trị Miền Bắc còn lại một người là Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ. Khâm Sai không phải Khâm Sai!  Chủ tịch không là Chủ tịch! Bác sĩ Chữ ở một địa vị bẽ bàng, làm một chức vụ dở dang, có những quyền hạn không định rõ.  Theo lời Bác sĩ Chữ nói, nếu ông cũng bỏ mà đi nốt là trốn trách nhiệm.

Trước sự thể “chân ướt chân ráo” bước vào địa vị, uy quyền chưa vững, hơn nữa phải nói là chưa có để mệnh lệnh ban ra được tuân theo.

Khi hay tin Việt Minh (VM) treo cờ đỏ sao vàng trên gác chuông Nhà Thờ Lớn, và chiếm cứ một nhà in, Bác sĩ Chữ liền ra lệnh cho Bảo An Binh hạ cờ và trục xuất những người vi phạm.

Buổi chiều hỏi lại xem mệnh lệnh đã được thi hành chưa? Thì được trả lời là chưa! Vì ông Đổng lý văn phòng họ Phạm phủ Khâm Sai không cho phép thi hành.

Triều đình Huế không tỏ rõ thái độ phải hành động bằng cách nào! Ông bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn, đặc phái viên Triều đình cũng không có thái độ rõ rệt; nếu không nói chắc chắn ông đã có sự liên lạc với VM CS.

Phan Khâm Sai đã ngã lòng trước thời cuộc; nếu không nói là ông đã đi ngầm với VM CS rồi!

Ông Thị trưởng họ Trần không chống lại mọi hoạt động của VM CS.

Ông Đổng lý văn phòng phủ Khâm Sai ủng hộ VM CS nếu không nói ông đi với, hoặc mơn trớn VM CS.

Sáng thứ Bảy, Trung úy chỉ huy phó Bảo An Binh đến phủ Khâm Sai gặp Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, cho Bác sĩ biết là Việt Minh mời Bảo An Binh dự cuộc biểu tình dự bị và yêu cầu cả ban âm nhạc Bảo An Binh ra trợ lực.  Trung úy xin phép cho Bảo An Binh được đi. Bác sĩ Chữ trả lời:

 – “Nếu Bảo An Binh là quân đội của VM thì tùy ý các ông. Tôi phải thấy ở Bảo An Binh là một lực lượng bảo vệ chính quyền, giữ an ninh trật tự cho nước cho dân. Tôi lấy làm lạ và buồn rằng quân đội của Triều đình lại a tòng một thế chống lại Triều đình, muốn lật đổ Triều đình.”

 – “Người ta cũng là quốc gia cả mà!” Trung úy BAB trả lời như vậy.

 Chiều thứ Bảy, Bác sĩ Chữ ra lệnh Bảo An Binh đem 100 quân đến giữ Khâm Sai phủ.

 Sáng Chủ Nhật, một viên Trung úy khác dẫn 50 lính Bảo An tới, và nói cho BS Chữ biết rằng:

 – “Đại úy Tư lệnh cử tôi đem quân phòng thủ đến; nhưng nếu Khâm Sai phủ “thất thủ”, ông không có quân tiếp viện; số quân còn lại, chỉ đủ để giữ trại BAB”. Các cấp chỉ huy đã theo VM CS.

Các công chức đa số có cảm tình nồng hậu với VM CS.

Các cảnh binh không chịu can thiệp vào những hành động phi pháp của VM CS.

Về phía các đảng phái cách mạng quốc gia, thì vào một buổi tối, Phan Khâm Sai cho người đánh xe ra mời Bác sĩ Chữ vào ngay phủ Khâm Sai có việc cần. Đến nơi thấy có hai khách ngồi (3). Sau sự giới thiệu, được biết là lãnh tụ và phó lãnh tụ một đảng cách mạng đã từng cộng tác với quân đội Nhật Bản, và cộng tác chặt chẽ trong thời kỳ đảo chính (9.3). Hai nhân vật đến với mục đích là ép Khâm Sai họ Phan phải từ chức để nhường chức cho lãnh tụ đảng ông. 

Bác sĩ Chữ cho là điều đòi hỏi quá đáng, lại ra ngoài pháp lý. Lãnh tụ họ Nguyễn nói:

 – “Người Nhật chỉ tin có chúng tôi, và chỉ giao khí giới cho chúng tôi mà thôi!”

 BS Chữ trả lời:

 – “Nếu người Nhật quả thực chỉ tin ở các vị, người Nhật phải chính thức đề đạt các vị với Triều đình, để Triều đình bổ nhậm, sau khi đã cắt chức ông Phan Kế Toại hoặc bắt họ Phan từ chức. Chưa bao giờ có chuyện một công khanh từ chức với một người để nhường địa vị cho người ấy. Nếu các vị muốn sung chức Khâm Sai, tất phải làm một cuộc đảo chính.”

Lãnh tụ “ĐVQX” Nguyễn Xuân Tiếu quyết tâm làm một cuộc đảo chính. Hôm ấy vào buổi chiều ngày 17 tháng 8, Nguyễn Xuân Tiếu cùng 4 vị sĩ quan Nhật Bản hóa trang, mỗi người vai đeo một khẩu tiểu liên, ngoài phủ chiếc áo dài thâm Việt Nam, hướng dẫn 300 thanh niên võ trang súng trường, không ai ngăn cản, rầm rộ tiến vào Khâm Sai phủ. Một cuộc mà bề ngoài coi như là “Biểu Tình”, đòi Chính quyền bắt nhốt hết tất cả người Pháp lại.

Đổng Lý văn phòng Khâm Sai họ Phạm trả lời:

– “Chính quyền sẽ giải quyết nguyện vọng.”

Giữa khi ấy, một cán bộ trong “Mặt Trận ĐVQGLM” được phái đến mật báo cho ông Tiếu biết rằng:

– “Quân đội Pháp ở trong thành đã đào lấy lên được một số võ khí quan trọng mà chúng đã chôn dấu từ trước, quyết định tối nay tràn ra đánh chiếm Hà Nội yêu cầu tạm lui quân để chặn đánh Pháp trước, rồi sáng mai hãy đoạt chính quyền chưa muộn!”

Nguyễn Xuân Tiếu còn đương phân vân chưa quyết định. Lãnh tụ Trương Tử Anh cỡi xe đạp tới, cũng báo mật tin như trên, và yêu cầu giao ngay số 300 thanh niên võ trang lại cho họ Trương, kịp gấp đi bố trí các nơi, phòng bị Pháp quân từ trong thành đánh ra. (4)

Tức thời Trương Tử Anh chỉ huy 300 thanh niên võ trang ra khỏi Khâm Sai phủ. Nguyễn Xuân Tiếu cùng 4 sĩ quan Nhật Bản cùng nhau trở về. Chờ mãi tới đêm 18 rạng ngày 19 mới thấy một số thanh niên trở về báo cho Nguyễn Xuân Tiếu biết:

– “Lãnh tụ họ Trương đã trao họ cho Trung và Quế tức Cối Kê (5) là Hiến binh Nhật Bản, bị tên Quế tước hết khí giới, rồi đưa đến giữ ở trong trại Bảo An Binh.”

Một bữa khác, BS Chữ lại tiếp một người chưa quen biết bao giờ và cũng chưa được nghe tên, đến phủ Khâm Sai gặp BS Chữ và cho biết: ông có một lực lượng thanh niên có thể phòng thủ Khâm Sai phủ được, nếu Bác sĩ ưng thuận. Nhưng trong một công cuộc trọng đại, lòng tin đâu đặt ngay được vào một trợ lực không biết rõ!

Trong các đảng cách mạng quốc gia còn có một lãnh tụ “QDĐ” là BS Phan đến cho biết: “Chiều thứ Bảy vào buổi tối, cách mạng quân sẽ kéo từ Việt Trì về…” Nhưng đợi cả buổi chiều cho mãi tới ngày hôm sau cũng không thấy đoàn quân QDĐ đâu cả, không rõ vì lý do gì.

Cũng sáng thứ Bảy, Phó Lãnh Sự Nhật Bản gặp và nói với BS Chữ:

– Nếu muốn nhờ quân đội Nhật trong một tình thế nào! Người Nhật sẵn sàng giúp đỡ (Nous sommes à votre disposition).

Điều này tỏ ra người Nhật cũng biết trước âm mưu của Cộng Sản Việt Nam.

BS Chữ rất phân vân, muốn cứu vãn nguy cơ trước mắt, ngoài quân đội Nhật, trông cậy vào đâu! Chỉ một toán nhỏ quân Nhật, bao quanh Khâm Sai phủ, đủ làm tan vỡ mưu cơ của Cộng Sản; nhưng theo kinh nghiệm riêng, đã cho biết kết quả mong manh của một sự giúp đỡ bên ngoài. Kết quả có thể tốt đẹp ở hiện tại, nhưng còn tương lai! Cho nên BS Chữ đã không chịu trả lời dứt khoát.

Về phía Cộng Sản, mỗi tối đến, có mấy thanh niên cán bộ do con trai Phan Kế Toại thường đưa vào Khâm Sai phủ để gặp Phan Khâm Sai. Hôm ấy do Phan Khâm Sai giới thiệu 5 thanh niên gặp BS Chữ, họ tự nói là những bạn của em và của các bạn em.

– “Chúng tôi muốn mời ông cùng đi với chúng tôi trong công việc chúng tôi sắp đặt lấy chính quyền; xin mời ông cùng với chúng tôi lại ngay nhà (tên một Bác sĩ) ở Hàng Bông Thợ nhuộm, ở đấy ông sẽ gặp những người để bàn công việc chung.”

Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ trả lời:

– “Chờ Đồng Minh vào trong nước sau khi Nhật Bản bại trận, Đồng Minh sẽ có một thái độ khác đối với các ông. Các ông mà lấy chính quyền hôm nay, ngày mai Đồng Minh sẽ hạ các ông. Theo tôi, điều hay hơn hết là để nguyên Triều đình Huế với một chính quyền quốc gia thuận lợi đón tình thế. Sau này các ông muốn lấy chính quyền, công việc sẽ dễ như trở bàn tay. Các ông về nói với thượng cấp các ông về ý kiến tôi vừa nói, các ông sẽ trả lời sau.”  Bác sĩ Chữ cương quyết không đi.

Vì các thanh niên coi BS Chữ như người đồng hội đồng thuyền cho nên BS Chữ đã nói những lời trên. Há BS Chữ không phải không biết là đang nói chuyện với những anh em Cộng Sản.

Trong các cơ quan dân sự quân sự của Nhà nước, đâu đâu cũng chỉ thấy ủng hộ, không một mảy may chống đối Việt Minh Cộng Sản!

Về Triều Đình Huế không tỏ một thái độ nào! Một hành động nào! Chính quyền trong thế suy nhược ấy! Quân đội trong thái độ ấy! Dân tình cũng như vậy! 

TÌNH HÌNH CÁC ĐẢNG PHÁI QUỐC GIA TRƯỚC HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC 

Được tin Nhật Bản sửa soạn đầu hàng Đồng Minh. Ngày 11 tháng 8 năm 1945, một nhân vật người Anh có tên tuổi ở Việt Nam đưa đại diện của Tướng De Gaulle đến gặp vị Tổng Tư lệnh quân đội Nhật Bản, thương thuyết để cho một số quân đội Pháp đào tẩu từ hồi tháng 3 trước được đổ bộ lên Hải Phòng.

“Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh” được biết rõ tin này, liền huy động tổ chức một cuộc biểu tình khá đông đảo phản kháng âm mưu xâm lược của Đế quốc Thực dân vào ngay buổi chiều ngày hôm ấy, khiến vị Tổng Tư lệnh quân đội Nhật Bản không dám để cho Pháp quân đổ bộ lên miền Bắc Việt Nam.

Và ngay buổi chiều tối hôm đó Ban Chấp hành MTĐVQGLM triệu tập một buổi họp để quyết định vấn đề đoạt chính quyền Bắc Việt.

 Trong cuộc thảo luận, hội nghị chia làm hai phái, ý kiến mâu thuẫn nhau. Một phái gồm có Chu Bá Phượng, Trương Tử Anh và đại diện của Nguyễn Tường Long (ông Long bị bệnh thương hàn phải điều trị tại bệnh viện) chủ trương rằng:

 – “Muốn được Đồng Minh công nhận Chính phủ của chúng ta sau này, thì chúng ta không được phép hợp tác với Nhật Bản bất cứ dưới hình thức nào. Nếu hợp tác với họ, đó là đã chống lại Đồng Minh và đi ngược lại với trào lưu Quốc Tế, chúng ta tất sẽ bị tiêu diệt. Còn nếu Việt Minh Cộng Sản có cướp chính quyền chăng nữa, cũng chẳng quan ngại gì! Vì lực lượng của phe cách mạng dân tộc chúng ta có thể nói là mạnh gấp bội phe VM CS kể tất cả về mọi phương diện; chúng ta có đủ sức tiêu diệt họ. Vậy tốt hơn hết là chúng ta hãy nên chờ cách mạng quân ở Hải ngoại cùng quân đội Đồng Minh sắp nhập cảnh nay mai bằng ba ngả đường Lao Kai, Lạng Sơn và Móng Cái; rồi sẽ liên hiệp lập Chính phủ có Đồng Minh đứng sau ủng hộ; đại cuộc của chúng ta tất sẽ thành.”

Một phái chủ trương nên dựa vào thế lực quân đội Nhật Bản cướp chính quyền ngay. Sau khi đã có quyền, đợi các đồng chí cách mạng từ Hải ngoại về tới, sẽ cùng nhau lập Chính phủ. Đại Biểu cho phái này là Nguyễn Xuân Tiếu tức Nguyễn Lý Cao Kha.

Hội nghị đương họp chưa quyết định bề nào, thì đột nhiên Trần Văn Cương cùng Đặng Đức Hinh đại diện nhóm “Phụng Sự Quốc Gia” hướng dẫn Đại Biểu “Mặt Trận Việt Minh” tới, đề nghị không nên đảo chính vội cũng viện lý do khi quân đội Đồng Minh tới sẽ cho là Chính phủ thân Nhật Bản, không có lợi. Nếu “MTĐVQGLM” không đồng ý mà cứ đoạt chính quyền trước, thì “MTVM” cũng sẽ đoạt ngay hết chính quyền ở các tỉnh; đồng thời cho phá vỡ ngay đê sông Hồng cho nước tràn đầy Hà Nội, cô lập hóa Thủ Đô theo kế hoạch đã được bố trí sẵn sàng.

Hội nghị đâm hoang mang rồi giải tán.

Trong khi đó, có một số lãnh tụ phe quốc gia lại quá tin tưởng vào Khâm sai Phan Kế Toại đã hứa chắc chắn là sẽ trao chính quyền Bắc Việt lại cho phe quốc gia trước ngày quân đội Đồng Minh tới bắc Việt Nam. Đến giờ phút chót bổ đi tìm Phan Khâm Sai, nhưng Phan Khâm Sai đã chạy theo VM CS từ mấy ngày hôm trước rồi, còn đâu nữa mà tìm!

Để chấm dứt sứ mạng các đồng chí đã tự hy sinh đứng ra thân Nhật Bản trong “MTĐVQGLM”, Tổng Bộ bí mật VNQDĐ ra lệnh cho những đồng chí ấy phải tuyên bố rút lui khỏi Đảng bộ, nên sáng ngày 14 tháng 8, trên mặt tờ báo Đông Pháp, người ta thấy tên Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống tuyên bố rút lui khỏi Tổng Bộ VNQDĐ.

Chiều ngày 18 tháng 8, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, cuộc mít-tinh của công chức biến thành cuộc mít-tinh biểu tình của MTVM.

Tình thế biến chuyển một cách bất ngờ! Nên ngay buổi tối hôm ấy “Liên Minh Quốc Dân Đảng” có cuộc họp khẩn cấp.

 – Về phía VNQDĐ có Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn, Lê Khang (Lê Ninh)…

 – Về phía ĐVQDĐ có Trương Tử Anh, Phạm Khải Hoàn, Đồng Chí Kim …

 Vấn đề đoạt chính quyền ngay vào đêm hôm ấy được đề ra. Các đồng chí ĐVQDĐ cho rằng:

 – “Cuộc cách mạng nào cũng chỉ đi tới mục đích là giành lại độc lập cho Tổ quốc.” Thì dầu MTVM hay đoàn thể nào cũng vậy! VM nắm được chính quyền, chúng ta sẽ tham gia hướng dẫn họ trên công cuộc phục vụ nhân dân; nếu họ trở mặt, lúc đó chúng ta sẽ lấy nhân dân làm hậu thuẫn mà hạ họ xuống. Vả lại, lực lượng của họ có gì đáng cho chúng ta lo ngại! Nếu nay chúng ta dùng võ lực để đối phó, trong lúc này ắt có cuộc lưu huyết! Cộng Sản chưa thấy đâu mà đã thấy ngay dân chúng bị tàn sát. Sau đây lịch sử sẽ quy tội cho chúng ta là tham cầu địa vị, gây nên cảnh “nồi da sáo thịt”; tội đó há riêng một cá nhân gánh chịu!

 Lê Khang (Lê Ninh) cực lực phản kháng:

 – “Thì ra đến giờ phút này mà các anh vẫn chưa hiểu rõ “Việt Minh Cộng Sản” là thế nào cả? Huống hồ là dân chúng!

 

Lê Ninh tức Lê Khang

 “Tôi xin nói thẳng mong các anh đừng mếch lòng! Những phần tử CS họ rất sẵn sàng đi đôi với tất cả các thế lực, mặc dầu là thực dân Pháp hay quân phiệt Tầu, nghĩa là tiêu diệt được những người cách mạng dân tộc chúng ta.  Nếu nay để cho CS nắm được chính quyền, họ sẽ đặt tình thế trước sự đã rồi! Chúng ta sẽ đi tới tự sát. Cộng Sản sẽ áp dụng mọi thủ đoạn để tiêu diệt chúng ta ngay. CS sẽ tuyên truyền công bố ngay với dân chúng: chúng ta là những tên phản động, phản quốc, Việt gian!

Chúng ta không nên đóng vai trò thụ động, không được phép chờ họ khủng bố rồi mình mới đánh lại; chúng ta nên tấn công họ trước, mới nắm được phần thắng về mình.

Tôi khẩn khoản yêu cầu các anh hãy mau nắm lấy chính quyền, rồi tóm cổ hết những phần tử CS nhốt lại, để trừ mối hậu họa cho dân tộc.

Chúng ta nắm được chính quyền, chỉ thu số súng đạn của Bảo An Binh cũng có tới 5.000 khẩu, cùng với số súng đủ loại ở kho Ngọc Hà của Pháp trước mà Nhật tước được có trên 20.000 khẩu, mà nay quân Nhật Bản sẵn sàng trao lại cho chúng ta. Với lực lượng ấy chúng ta có thể lập ba sư đoàn cách mạng quân để đối phó với tình thế, tiến tới một chính quyền thống nhất toàn quốc.

Nếu các anh cương quyết không chịu nghe ý kiến tôi, thì một ngày rất gần đây khi CS đã nắm vững tình hình, họ sẽ sách động quần chúng gây nên cuộc “giai cấp đấu tranh,” hủy diệt Tôn Giáo, tổ chức phong trào đấu tố, thì ngay vợ con các anh sẽ đấu tố các anh là phản động, là… các anh sẽ không còn đất đứng! Để họ tạo nên một giai cấp quan liêu thống trị mới, hưởng mọi đặc ân và sẽ loại trừ hết các đảng phái Quốc Gia, họ sẽ đưa quốc gia dân tộc chúng ta lệ thuộc vào hàng ngũ Đệ Tam Quốc Tế.”

Ý kiến Lê Khang không được hội nghị chấp thuận, bởi Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn … vì quá nhu nhược lừng chừng, thiếu quả quyết.

Thấy cơ hội độc nhất đã lỡ! Vô phương cứu vãn! Lê Khang cùng một số đồng chí (VNQDĐ) lặng lẽ bỏ lên Vĩnh Yên tìm Đỗ Đình Đạo thảo kế hoạch đoạt chính quyền tỉnh Vĩnh Yên làm địa bàn hoạt động.

Các võ trang đảng viên QDĐ được huy động từ chiến khu triệu về tập trung tại trường tiểu học Hàng Kèn, Hà Nội để đợi lệnh đoạt chính quyền cũng thứ tự rút lui, và thầm bảo nhau: “Mấy ông lãnh tụ nhà mình thật đúng là đồ đệ của Khổng Mạnh, quân tử Tầu; thật đáng kính trọng lắm thay!”

Tóm lại Chính phủ Trần Trọng Kim đã không thấu hiểu lực lượng VM CS lại bị tuyên truyền VM CS là đồng minh của khối Đồng Minh; mà hàng ngũ mình là Chính phủ thân Nhật, nên tự đặt mình vào thế bỏ cuộc rút lui.

Người đại diện Triều đình Huế nắm chính quyền Bắc Việt là Khâm Sai Phan Kế Toại cũng ngã lòng trước thời cuộc, ra mặt đầu hàng VM CS. Người kế vị nắm chính quyền Bắc Việt trong vòng hơn tuần lễ là Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, uy quyền chưa có, từ nhân viên đến Bảo An Binh bội phản Triều đình, thân VM CS. Bác sĩ Chữ đứng trong hoàn cảnh cô lập. Hơn nữa, lại còn là mẫu người quá trung thực về lễ giáo Khổng Mạnh, đạo đức Phật giáo, không phải là nhân vật thời chiến quốc.

Các người mệnh danh là lãnh tụ các đảng phái Quốc Gia lại quá tin tưởng vào các lãnh tụ quân đội Đồng Minh, những đồng chí Trung Hoa sẽ triệt để ủng hộ mình mà lật đổ chế độ VM CS để thành lập một Chính phủ Quốc Gia có Đồng Minh đứng bên hậu thuẫn; hợp tình và hợp lý hơn. Có biết đâu! Người Trung Hoa, nhất là một số Tướng lãnh chỉ biết trọng “VÀNG”; nếu có kẻ khác trao đầy túi VÀNG, là sẽ bỏ rơi chúng ta ngay! Rồi lại quá tin ở Cách Mạng Quân từ Trung Hoa sẽ về kịp thời. Hơn nữa, lại còn đánh giá VM CS đến tầm quá thấp kém.

Các lãnh tụ các đảng phái Quốc Gia đã thiếu hẳn về phần thủ đoạn chính trị trong những trường hợp phải áp dụng linh động để đoạt lấy phần thắng lợi về mình.

Nếu từ Nội Các Trần Trọng Kim đến các lãnh tụ đảng phái Quốc Gia hiểu rõ tình hình mà hành động kịp thời thì dân tộc Việt Nam đâu đến nỗi phải chịu cái thảm họa nồi da sáo thịt, đất nước điêu tàn thảm khốc đến ngày nay! 

=============

Ghi chú:

(1) Thủ tướng :   Trần Trọng Kim

 – Nội vụ: B.S. Trần Đình Nam

 – Ngoại giao: L.S. Trần Văn Chương (cha của bà Trần Lệ Xuân vợ ông Ngô Đình Nhu)

 – Giáo dục:   G.S. Hoàng Xuân Hãn

 – Tư pháp:    L.S. Trịnh Đình Thảo

 – Tài chính:   L.S. Vũ Văn Hiền

 – Kinh tế:      B.S. Hồ Tá Khanh

 – Tiếp tế: B.S. Nguyễn Hữu Thí

 – Công chính: K.S. Lưu Văn Lang

 – Y tế  : B.S. Vũ Ngọc Anh

 – Thanh niên : L.S. Phan Anh

(2) Con trai Phan Kế Toại và Trần Văn Lai, đều là phần thân Việt Minh Cộng Sản.

(3) Ông Nguyễn Xuân Tiếu lãnh tụ Đảng “Đại Việt Quốc Xã.”  

(4) Sở dĩ sự kiện này xảy ra là vì phe Trương Tử Anh không đồng ý với Nguyễn Xuân Tiếu đứng về phía Nhật Bản để cướp chính

quyền.

(5) Cối Kê là Đảng viên “Thanh Niên Ái Quốc Đảng.”

[Bấm Vào đọc chương trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt